Vì sao bảo hiểm còn nhiều miễn cưỡng?

10:12 04/08/2023

Thị trường bảo hiểm Việt Nam sắp tròn 30 năm phát triển kể từ khi Nghị định 100/1993/NĐ-CP được ban hành. Ngành bảo hiểm đã có những đóng góp không nhỏ với vai trò là tấm đệm tài chính của nhiều gia đình và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thế nhưng, cho đến nay, việc tham gia bảo hiểm của người dân và doanh nghiệp ở mức tự giác còn ít, nghĩa là không chủ động lựa chọn doanh nghiệp và sản phẩm phù hợp với nhu cầu của riêng mình. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Gian nan đòi tiền bảo hiểm

Với mục đích chính là bảo vệ, khôi phục lại tình trạng tài chính trước khi sự kiện rủi ro xảy ra thì không người tham gia bảo hiểm nào muốn được nhận bồi thường từ nhà bảo hiểm. Bởi vì có được bồi thường 100% thiệt hại đi nữa thì những phí tổn về thời gian và tinh thần cũng là đáng kể. Tuy vậy, việc đòi tiền bồi thường từ nhà bảo hiểm không phải lúc nào cũng nhanh chóng, thuận tiện.

Ngay cả ở những nước có thị trường bảo hiểm phát triển, có thủ tục giấy tờ đơn giản, vẫn hay xảy ra những bất đồng trong việc xác định mức độ lỗi của người được bảo hiểm, có thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, mức độ thiệt hại, hay điều khoản nào đó trong hợp đồng có thể dẫn đến tranh chấp. Phần lớn các trường hợp tranh chấp đều phải có sự tham gia của luật sư. Có những trường hợp thắng kiện được công ty bảo hiểm thì chi phí luật sư cũng đã chiếm một phần không hề nhỏ.

Cùng với những cải thiện trong chính sách giám sát quản lý, nhận thức của người dân, cần thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ phụ trợ trong ngành bảo hiểm để người dân và doanh nghiệp đến với bảo hiểm một cách chủ động hơn. Khi đó, câu hỏi đặt ra không còn là có nên tham gia bảo hiểm, mà là chọn doanh nghiệp bảo hiểm nào có dịch vụ tốt, có sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Đó là chưa kể hệ thống tòa án của nhiều nước phát triển luôn trong tình trạng thiếu người nên quá tải, các tranh chấp nếu phải chuyển đến tòa án thì thời gian chờ và xử lý rất lâu, dù quy trình rõ ràng. Việc đòi tiền bảo hiểm cũng trở nên gian nan vì thời gian chờ lâu và phải làm theo các thủ tục.

Ở Việt Nam thì còn phiền toái, nhiêu khê hơn cho người tham gia bảo hiểm khi bộ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi gồm nhiều loại giấy tờ, có những loại đòi hỏi phải có xác minh của cơ quan thẩm quyền. Chẳng hạn như xác minh của cơ quan công an hay chính quyền địa phương trong nhiều trường hợp là không cần thiết, mà nếu có cần thì đó là trách nhiệm của nhà bảo hiểm.

Ngoài ra, có những trường hợp bên bảo hiểm còn yêu cầu các hồ sơ chứng từ phải là bản gốc hoặc sao y bản chính. Nếu người được bảo hiểm phải dùng một chứng từ nào đó cho nhiều việc thì phải tốn thêm công sức và thời gian. Chẳng may hồ sơ bị thất lạc một loại giấy tờ nào đó thì bị coi là không hoàn chỉnh, không được tiếp nhận xử lý.

Trải qua một lần đòi tiền bảo hiểm khó khăn thì thiện cảm của người mua bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng không dừng ở đó, sự không hài lòng này còn được chia sẻ lan truyền cho những người xung quanh. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến người dân và doanh nghiệp chưa tự giác trong việc tham gia bảo hiểm, nếu có tham gia thì chủ yếu là đối phó trong những trường hợp bị bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Truyền thông thiếu rõ ràng

Cũng có không ít người dân và doanh nghiệp được nhận quyền lợi chi trả bồi thường từ các doanh nghiệp bảo hiểm, và đó như là chiếc phao cứu sinh. Số liệu từ thị trường năm 2022 cho biết các doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam đã chi trả hơn 64.000 tỉ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước khoảng 23.400 tỉ đồng. Chi trả của bảo hiểm phi nhân thọ tập trung vào bảo hiểm sức khỏe, tài sản, trách nhiệm nên số tiền bồi thường này mang ý nghĩa bảo vệ rất lớn.

Tuy vậy, thông tin về các trường hợp nhận được chi trả quyền lợi từ các doanh nghiệp bảo hiểm còn rất hạn chế, bị lép vế trước các thông tin tiêu cực về bảo hiểm. Số liệu báo cáo chi trả quyền lợi chỉ xuất hiện khi có các đợt tổng kết, trong khi việc chi trả của các doanh nghiệp diễn ra hàng ngày. Nếu tính số tiền chi trả, bình quân mỗi ngày trong năm các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả hơn 175 tỉ đồng/ngày.

Thông tin tiêu cực về doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm chủ yếu ở việc chi trả bồi thường. Nhưng không phải trường hợp từ chối chi trả nào của doanh nghiệp bảo hiểm cũng là sự lạm quyền của doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi vì, có những trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng không thuộc phạm vi bảo hiểm, có lỗi của người được bảo hiểm, hay như việc xác định nguyên nhân và giá trị tổn thất chưa được thống nhất. Một số vụ tranh chấp trước đây như trong bảo hiểm tàu cá khi xác định phạm vi hoạt động của tàu, hay trong bảo hiểm ô tô trong trường hợp bị thủy kích.

Nếu như phía doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng hơn đến việc truyền thông, giải thích rõ ràng và minh bạch nguyên nhân từ chối chi trả hay chưa chi trả thì những người quan tâm sẽ có góc nhìn đa chiều hơn. Từ đó, cũng giảm tránh đi những hiểu lầm đáng tiếc. Các doanh nghiệp cũng chưa đẩy mạnh việc cung cấp thông tin mang tính giáo dục đến với thị trường qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hay qua những người có uy tín và có ảnh hưởng trên các mạng xã hội.

Vai trò của bên thứ ba

Đảm bảo hiệu quả kinh doanh là một trong những mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Mà muốn vậy thì bên cạnh tăng doanh thu phí bảo hiểm, các doanh nghiệp còn có thể kiểm soát tỷ lệ bồi thường (loss ratio) và tỷ lệ kết hợp (combined ratio).

Thực tế có những doanh nghiệp cố tình làm khó để duy trì tỷ lệ bồi thường thấp hoặc theo kế hoạch. Đây là một câu hỏi khi mà tỷ lệ bồi thường trung bình của bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam năm 2022 chỉ khoảng 35%, tỷ lệ bồi thường cao nhất là ở mảng xe cơ giới (49,8%) và thấp nhất là bảo hiểm cháy nổ (22,3%).

Để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm, cần có một bên thứ ba là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, được ủy quyền thay mặt người được bảo hiểm để yêu cầu đòi các quyền lợi. Ở nhiều thị trường, những công ty như thế này được thành lập bởi những người đã có nhiều năm kinh nghiệm và mạng lưới trong ngành bảo hiểm. Với sự am hiểu và chuyên nghiệp của bên cung cấp dịch vụ, vị thế của bên mua bảo hiểm được nâng lên rất nhiều. Điều này có lợi cho cả người mua bảo hiểm và bên thứ ba. Nhìn xa hơn nữa là có lợi cho cả thị trường.

Quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Báo cáo Sigma gần đây nhất của Swiss Re cho thấy thị trường bảo hiểm chỉ chiếm 2,3% GDP của Việt Nam, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước đang phát triển châu Á là 3,7%, và trung bình của thế giới là 7%.

Cùng với những cải thiện trong chính sách giám sát quản lý, nhận thức của người dân, cần thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ phụ trợ trong ngành bảo hiểm để đi cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước thì người dân và doanh nghiệp đến với bảo hiểm một cách chủ động hơn. Khi đó, câu hỏi đặt ra không còn là có nên tham gia bảo hiểm, mà là chọn doanh nghiệp bảo hiểm nào có dịch vụ tốt, có sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

TS. Võ Đình Trí (Theo Thesaigontimes.vn)