Về với ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ

00:00 12/10/2020

Chuẩn bị bước vào năm học mới, ngôi trường chưa từng có bóng dáng giáo viên nữ ở vùng đất Cao Sơn (thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) lại đối mặt với những khó khăn chồng chất. Sự quan tâm, tình cảm và những món quà đến với Cao Sơn mùa tựu trường là động lực để thầy trò nơi đây bước vào năm học mới với nhiều phấn khởi.

 

Những món quà ý nghĩa được trao tận tay các em nhỏ vào đầu năm học mới

Xã Lũng Cao là xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Bá Thước, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, tỷ lệ hộ đói nghèo rất cao. Cao Sơn chính là tên gọi chung cho 3 bản Son, Bá, Mười, nằm trên đỉnh của dãy núi Phà Hé thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tiếp giáp với khu BTTN Ngọc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Để vào được bản chỉ có 2 con đường, một là con đường vắt ngược qua đỉnh Phà Hé. Trước năm 2016 đây chỉ là con đường mòn, để đi từ trung tâm xã lên với độ dài 10 km cũng phải mất gần nửa ngày. Con đường thứ hai là phải ngược sang tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” để đi. Đó là câu chuyện của những năm trước, giờ Cao Sơn đã nhiều đổi khác, những nếp nhà sàn khang trang thay cho những ngôi nhà cũ kĩ, sập sệ; con đường cheo leo, xẻ núi được thay thế bằng con đường tỉnh 521B đã giúp xe ô tô có thể đi vào tận các bản, vì thế rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, đời sống của bà con cũng vì thế mà đổi thay.

Điều đặc biệt nhất là nơi đây có ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ. Ngôi trường nằm trên điểm cao nhất của đỉnh Pù Luông, đó là điểm trường Phổ thông Cao Sơn, được thành lập từ năm 2008 chỉ bằng tranh, tre, nứa, lá. Trường Phổ thông Cao Sơn hiện có 9 lớp học với 110 học sinh ở cả hai cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở, mỗi khối chỉ có 1 lớp, có lớp học chỉ 6 học sinh. Học sinh của nhà trường 100% là dân tộc Thái. Hiện nay, đã có 7 phòng học kiên cố, còn 2 phòng gỗ sập sệ và xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhà trường vẫn phải dùng tạm. Đây là ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ. Hiện 17 cán bộ giáo viên của nhà trường đều là các thầy giáo.

Thầy Nguyễn Ngọc Đỉnh, giáo viên nhà trường, người đã dạy học ở đây 7 năm, chia sẻ: Cách đây chỉ mấy năm thôi, để đến được trường, các thầy phải gửi xe máy dưới chân đèo rồi leo bộ lên. Vào những hôm trời mưa, đường lầy lội phải “cuốc bộ” cả ngày mới đến nơi, nhà cách trường có hơn 30 km nhưng cả tháng tôi mới về thăm nhà được 1 lần. Thời tiết trên này lạnh lắm, quanh năm phải dùng đến chăn bông. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, rất khắc nghiệt, có lúc xuống âm 3 độ C. Vì vậy không có cô giáo nào có thể lên đây “bám trụ” được. Nhiều lúc, học sinh nữ bị đau bụng hay gặp những vấn đề tế nhị về tâm sinh lý là các thầy rất lúng túng trong cách xử lý nhưng vẫn phải khắc phục. Trường không có giáo viên nữ nên thầy nào cũng là “đầu bếp thực thụ”.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng hơn chục năm qua, 17 chàng “ngự lâm” trường Cao Sơn vẫn bám lớp, bám trường, vừa làm thầy vừa “làm mẹ” để chăm lo, dạy bảo các em. Thấu hiểu được những thiệt thòi của thầy và trò trường Cao Sơn, ban quản trị Hội Bảo tồn Lan rừng Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình “Cùng em tới trường” để tặng cho 110 học sinh trường Phổ thông cơ sở Cao Sơn các phần quà những phần quà trước năm học mới, bao gồm: 110 áo ấm, 110 cặp sách, 110 bộ sách giáo khoa từ lớp 1-9, 1.100 cuốn vở viết, 20 suất học bổng mỗi suất trị giá 500.000, 500 khăn quàng đỏ; 150m hàng rào, tổng giá trị quà tặng  trên 80 triệu đồng.

Quang cảnh buổi trao quà

Hội Bảo tồn Lan rừng Việt Nam được thành lập ngày 30/9/2015 từ một nhóm bạn yêu lan trên thành phố Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, sau đó phong trào lan tỏa ra khắp cả nước. Những ngày đầu thành lập, Hội có trên dưới 100 thành viên cho đến nay Hội đã phát triển hơn 88 000 hội viên từ khắp mọi miền đất nước. Từ khi Hội được thành lập, trên trang Web Hội hoạt động rất sôi nổi, thông qua những bài đăng của ban quản trị cũng như các thành viên tích cực giúp chia sẻ tới những người yêu lan trên cả nước những kinh nghiệm trồng, chăm sóc và nhân giống hoa lan góp phần bảo tồn và phát triển lan Việt. Hiện nay Hội đang phát động những phong trào Bảo vệ lan rừng. Ví dụ như không mua - bán - khai thác cây lan rừng còn quá nhỏ; khuyến khích việc tự nhân giống tại nhà; gieo hạt, cấy mô trên quy mô công nghiệp để đáp ứng nhu cầu chơi lan của những người yêu lan, giúp giảm việc khai thác lan rừng.

Song song với những hoạt động về lan, hội còn xây dựng các chương trình thiện nguyện trong đó đối tượng mà Hội hướng đến là những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Do đó từ những ngày đầu thành lập, Hội đã phát động chương trình “Cùng em đến trường” với khẩu hiệu “Đồng hành cùng học sinh vượt khó”. Để có kinh phí cho các hoạt động của chương trình, Hội đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều hội viên; bằng hình thức các hội viên tự nguyện tặng cây lan, chậu lan, tự nguyện tổ chức đấu giá, tự nguyện tham gia đấu giá, tự nguyện chuyển tiền vào tài khoản chung của Hội khi thắng những sàn đấu giá được tổ chức trên trang Hội. Từ nguồn kinh phí đó, thông qua các hội viên trải dài khắp 3 miền, số tiền đó sẽ chuyển thành những món quà đầy ý nghĩa trao tới tận tay các em học sinh.

Đoàn đến thăm 1 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường

Từ khi xây dựng chương trình tới nay, Hội đã tổ chức được trên 70 lần trao quà tới hơn 60 tỉnh trên cả nước, với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng bằng hiện vật là cặp sách, xe đạp, đồ dùng học tập, áo ấm…

Chuyến công tác của đoàn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng thầy và trò ở một ngôi trường đặc biệt, góp phần thắp sáng ước mơ cho các em học sinh nghèo vùng đất Cao Sơn. Đây cũng là bước khởi đầu tốt đẹp trước thềm năm học mới của một ngôi trường chưa từng có một giáo viên nữ.

Hiền Minh