Vàng tiếp đà tăng nhẹ trong những phiên đầu tháng 2/2022

16:41 04/02/2022

Giá vàng quốc tế tăng liên tiếp phiên từ đầu tuần đến nay nhờ đồng USD giảm và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đi xuống sau những bình luận gần đây xoay quanh động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ sắp tới.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong các phiên đầu tháng 2/2022, giá USD lao dốc và giá dầu thô tăng cao nhất trong 7 năm đã trở thành những động lực tăng giá đối với thị trường kim loại nói chung và vàng nói riêng.

Chỉ số USD-Index từ mức 96,2 điểm xuống 95,28 điểm do quan tâm của nhà đầu tư đối với ngoại tệ sụt giảm. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần trước giảm vượt dự báo nhờ số ca nhiễm Covid-19 giảm, cho thấy sự chững lại của tăng trưởng việc làm tháng 1 khả năng cao chỉ là tạm thời.

Đáng chú ý, lạm phát cao trong nhiều thập kỷ ở Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới khiến Fed và các ngân hàng trung ương khác phải rút lại các biện pháp kích thích đưa ra trong đại dịch COVID-19.

Các quan chức Fed đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng tới để kiểm soát lạm phát cao. Giới phân tích cho rằng, nếu vàng có thể tiếp tục ổn định trên 1.800 USD/ounce, một số nhà đầu tư có thể sẽ bắt đầu quay lại và đẩy mạnh mua vào.

Các nhà đầu tư lớn đã tăng lượng vàng nắm giữ. Chẳng hạn quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust trong vòng hai tuần qua liên tục mua vào và tăng số lượng vàng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 8/2021. Đến cuối ngày 1/2/2022, quỹ SPDR đang sở hữu hơn 1.018 tấn vàng.

Nhưng hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến công bố hôm nay 4/2 sau khi báo cáo hôm 2/2 cho thấy số việc làm khu vực tư nhân của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 1/2022.

Các nhà phân tích cho rằng, dữ liệu bảng lương ngày 4/2 rất quan trọng để xác nhận sự suy yếu trên thị trường lao động, yếu tố chính để Fed làm chậm kế hoạch tăng lãi suất cơ bản USD.

Lạm phát theo năm của nước Anh tăng từ mức 5,1% trong tháng 11 lên mức 5,4%, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo và lên mức 6% trong tháng 2 và 3, trước khi đạt đỉnh ở mức khoảng 7,25% trong tháng 4, cao hơn so với dự báo trước đó.

Goldman Sachs nâng dự báo giá vàng trong 12 tháng lên 2.150 USD/ounce, tăng so với mục tiêu trước đó là 2.000 USD/ounce.
Đồng thời, tổ chức này còn cho rằng, nếu lạm phát của Mỹ đạt 4% trong năm nay, vàng có thể lên 2.500 USD/ounce.

Tuy nhiên, vàng hiện chưa thể xác định rõ ràng xu hướng trong ngắn hạn vì lạm phát cao tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Vàng được xem là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Ngoài số liệu lạm phát và căng thẳng địa chính trị như Nga - Ukraine đang chi phối xu hướng giá vàng trong ngắn hạn... Vì thế, thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh, chỉ số Dow Jones giảm 518,17 điểm, tương đương 1,45%, xuống 35.111,16 điểm.

S&P 500 giảm 111,94 điểm, tương đương 2,44%, xuống 4.477,44 điểm; Nasdaq giảm 538,73 điểm, tương đương 3,74%, xuống 13.878,82 điểm.

Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay vàng miếng SJC trong nước được giao dịch phổ biến ở mức 62,5 - 62,7 triệu đồng/lượng (mua-bán). Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 61,75- 62,5 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới hơn 13,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.

 Theo BaoDautu