Văn hóa Doanh nghiệp dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời CMCN 4.0

00:00 12/10/2020

Sáng ngày 11/9, tại Hà Nội diễn ra "Hội thảo Văn hóa Doanh nghiệp và Phát triển Thương hiệu" do Báo Văn hóa (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức nhằm tạo một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, đưa ra các ý kiến đóng góp để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp,

Ảnh toàn cảnh

Tham dự hội thảo gồm có: TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh; Ông Trần Quang Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp; Ông Lê Quang Vũ - Chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần phát triển nội dung Blue C; Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập học viện truyền thông Elite PR School và giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA; Bà Nguyễn Thu Huệ - Chuyên gia Văn hóa & Truyền thông Doanh nghiệp - Nguyên Phó Ban Văn hóa, Tập đoàn FPT… và khoảng 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí.

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành nêu rõ, văn hóa là giá trị mang tính phổ quát toàn cầu nhưng lại mang giá trị dân tộc sâu sắc, văn hóa là một cái gì đó rất sâu xa nhưng lại cũng rất bình thường, gần gũi. Đối với doanh nghiệp, văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Văn hóa doanh nghiệp là câu chuyện của thế giới, đặc biệt là khi thế giới ngày càng hội nhập.

Ông Thành cho biết, có 3 khía cạnh rất quan trọng có ý nghĩa với sự phát triển văn hóa doanh nghiệp. Thứ nhất, bên cạnh việc phát triển kinh tế đơn thuần là sự tăng trưởng của doanh nghiệp liên quan đến phát triển bền vững, đó là ứng xử với môi trường, với xã hội, với văn hóa trong doanh nghiệp…

Thứ hai, quản trị chiến lược của doanh nghiệp nói rất nhiều đến tầm nhìn, quản lý nội bộ. Tuy nhiên, nền tảng nhất của quản trị chiến lược doanh nghiệp là đổi mới công nghệ và văn hóa doanh nghiệp - đó là gen của doanh nghiệp.

Thứ ba, văn hóa thể hiện qua hình ảnh của doanh nghiệp. Khi có sự tin cậy, niềm tin của khách hàng sẽ chuyển biến thành hành động, đó là vấn đề của thương hiệu doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, khi CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh, đang thúc đẩy cạnh tranh và làm mờ ranh giới giữa các ngành, văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi cho phù hợp với nhịp tiến vũ bão của cuộc cách mạng này. Việc chậm thay đổi văn hóa doanh nghiệp sẽ tương đồng với hiệu quả âm trong kinh tế.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia văn hóa, kinh tế đã thảo luận các nội dung như: Văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phòng chống khủng hoảng truyền thông bằng văn hóa doanh nghiệp; Đạo đức kinh doanh và vấn đề xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, tại hội thảo, các doanh nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện về xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu.

Ông Lê Quang Vũ, chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần phát triển nội dung Blue C

Một số doanh nghiệp Việt tìm thấy cơ hội trong khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Đó là Vietnam Airlines (VNA) với những chuyến bay nhân đạo, giải cứu các bệnh nhân Covid-19 đang mắc kẹt ở nước ngoài. VNA sáng tạo ra các quy trình mới, thay đổi để vận chuyển hàng thay vì vận chuyển hành khách trong mùa dịch.Tập đoàn Viettel triển khai nền tảng y tế trực tuyến giúp hàng trăm triệu người ở 11 quốc gia cập nhật thông tin dịch bệnh trong mùa dịch Covid-19.

Đặc biệt, Vingroup đã có những đóng góp nổi bật trong dịch Covid-19 khi tặng 3.200 máy thở cho tuyến đầu chống dịch; tặng 300 tỉ cho các đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có chuyến bay nhân đạo đón người Việt về từ Ukraina…

Trong khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ thể hiện giá trị cốt lõi của mình. Đây là cơ hội để mọi người gắn kết; để doanh nghiệp tái cấu trúc và chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ hơn: “Quan trọng nhất, trong khủng hoảng, các doanh nghiệp phải linh hoạt để thích nghi với dịch. Đây là thời điểm mang tính quyết định để phát triển doanh nghiệp, và văn hóa doanh nghiệp là cái gốc để tái cấu trúc và phát triển.

Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập học viện truyền thông Elite PR School và giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA

Văn hóa doanh nghiệp như vũ khí cạnh tranh mới. Điều đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình. Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời CMCN 4.0.

Tuy nhiên, văn hóa không phải là thứ có thể xây dựng sau một đêm mà đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì cùng với một kế hoạch phù hợp chiến lược phát triển của mình.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, và thực tế toàn cầu hoá, khoảng cách về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được làm mờ giữa các quốc gia.

Khi mạng xã hội lên ngôi vào những năm 2005, thế giới tiêu dùng bước sang một trang mới: thời của tương tác ngang hàng, tức thì, đa chiều và bản sắc. Người tiêu dùng được đặt ngang với nhà kinh doanh. Thậm chí, chu trình sản xuất và phân phối còn bị đảo lộn khi các nhà kinh doanh phải đặt câu hỏi về việc khách hàng cần gì trước khi thiết kế, tìm phương án sản xuất và kinh doanh.Trong thời kì marketing 4.0, khi khách hàng phối hợp cùng doanh nghiệp để sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ; định nghĩa về tiền tệ, giá trị, lợi ích mang lại cho khách hàng, được phi vật chất hoá, tương tác trong các cộng đồng ngày càng quan trọng.

Gia Gia