TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME: Giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp là đúng đắn và cần thiết

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID -19, Nghị quyết của Quốc hội về giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực giúp doanh nghiệp (DN) tiếp thêm động lực hoạt động. Để các DN hiểu rõ hơn Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm Thuế TNDN có hiệu lực ngày 03/08/2020. Với vai trò là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, xin ông chia sẻ về sự tham mưu, đóng góp của cá nhân cho thành công của Nghị quyết?

 Khi Ban soạn thảo Chính phủ, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo dự thảo Nghị quyết ban đầu giảm 30% số Thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ), cá nhân tôi cũng như các Đại biểu Quốc hội khác nhận thấy dự thảo Nghị quyết chỉ nhằm vào DN siêu nhỏ và các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp có thu thì quá hẹp vì việc giảm thuế cần trúng, đúng đối tượng, đạt lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất nhưng không làm ảnh hưởng thu ngân sách nhà nước là rất khó, phức tạp.

Vì lẽ, hai tiêu chí đưa ra là phải “cùng dưới” 50 tỷ đồng và dưới 100 người lao động là quá chặt chẽ, khó thực hiện. Bởi đơn giản như, một DN doanh thu 50 tỷ đồng mà có nhiều hơn 100 lao động thì người ta càng được hưởng, tại sao lại không được hưởng? Từ đó, tôi đề nghị dựa vào tiêu chí về DN nhỏ và vừa đã được xác định và giảm thuế cho toàn bộ DN nhỏ và vừa chứ không nên lựa chọn các DN theo hai tiêu chí “cùng dưới” nêu trên. Tinh thần là nuôi dưỡng nguồn thu, chứ không phải tư duy mất hơn 15.800 tỷ đồng ngân sách và cần tránh tâm lý sợ phải hỗ trợ nhiều hơn cho DN lớn. Vì lẽ, hỗ trợ cho DN lớn sẽ làm lan tỏa lớn hơn, công bằng hơn. Tiếp thu đa số ý kiến các Đại biểu Quốc hội, so với phương án ban đầu, Quốc hội đã quyết định mở rộng đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp, theo đó các DN có tổng doanh thu dưới 200 tỷ trong năm 2020 đều được giảm 30% thuế TNDN. Đặc biệt, Nghị quyết không còn khống chế số lao động dưới 100 người như phương án cũ.

Như vậy, số lượng DN được hưởng chính sách này sẽ tăng lên đáng kể. Số tiền mà DN được thực hưởng cũng tăng lên nhiều so với phương án trước đó do Nghị quyết tăng gấp 4 lần tổng doanh thu của một DN được hưởng chính sách so với phương án ban đầu. Việc bỏ giới hạn 100 lao động sẽ giúp các DN có doanh thu dưới 200 tỷ nhưng sử dụng nhiều lao động được hưởng chính sách này.

Xin ông cho biết tại sao các DN cùng chịu tác động của dịch Covid – 19 như nhau, nhưng Nghị quyết này chỉ áp dụng cho DN nhỏ, vừa và hợp tác xã có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng?

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy DN có quy mô nhỏ luôn là đối tượng được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm DN này, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Nhiều nước có quy định áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan,…

Thực tế tại Việt Nam, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, không có một DN nào không chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các DN lớn sẽ có “sức đề kháng” tốt hơn, việc áp dụng chính sách giảm Thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN có quy mô nhỏ là đúng đắn và cần thiết. Bởi, trong cơ cấu DN của Việt Nam, DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Bên cạnh đó, đây là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, gặp nhiều khó khăn nhất trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng tiếp cận vốn, cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, theo tôi hiểu ngân sách của Chính phủ không thể phủ hết được, nên trước mắt là đỡ cho DN bị tổn thương trước còn chính sách hỗ trợ và lớn hơn thì sẽ có các Nghị quyết khác.

Từ phía Hiệp hội, ông đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn từ Nghị quyết 116 lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNVV như thế nào? Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết 116 liệu có phải là yếu tố quyết định giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng?

Thực ra Nghị quyết nhìn về mặt tổng thể thì có giá trị nhưng thực chất thì giảm không đáng kể, không giải quyết được vấn đề thực sự. Việc giảm thuế cho năm 2019 sẽ tốt hơn cho DN. Năm 2020, DN còn giữ hoạt động được là tốt lắm rồi, lấy đâu ra có lãi. Như vậy, giảm thuế cho những DNvẫn có lãi năm 2020 thì DN rất khó tiếp nhận được ưu đãi này. Nhất là khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới, dự kiến vẫn sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam. Sinh mạng của nền kinh tế, các DN, hộ kinh doanh đang nằm trong giai đoạn khó khăn phức tạp.  Do vậy, còn quá sớm để nói rằng khi nào hết dịch nên việc giảm 30% Thuế TNDN chỉ có tác động tạm thời trong ngắn hạn. Nếu dịch kéo dài thì DN cần thêm sự hỗ trợ.

Theo ông, việc giảm Thuế TNDN lần này và các chính sách tài khóa hỗ trợ DN trước đó có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn?

Tôi đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với DN và người lao động. Dưới sự tham mưu chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều quyết sách như Chỉ thị 11, Nghị quyết 42 và Quyết định 15; từ đó làm cơ sở ra đời nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ (hiện nay đã giải ngân trên 20.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ (tính đến ngày 20/04 đã tiếp nhận hơn 24.200 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất), gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ và gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ đồng…Đặc biệt, đối với riêng ngành ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ, thậm chí hoãn phân chia lợi tức để hỗ trợ DN với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng. Hiện nhu cầu vay vốn để chi trả tiền lương cho công nhân và phục hồi sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn còn rất lớn.

Đại dịch Covid-19 là thảm họa và thách thức chưa từng có cho nhân loại, đòi hỏi toàn thế giới, cũng như mỗi quốc gia có những hành động phản ứng chính sách mới, cần thiết, quyết liệt và hiệu quả, thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Miễn giảm Thuế TNDN là một trong những công cụ trọng tâm hỗ trợ mạnh mẽ đa mục tiêu. Nghị quyết giảm thuế 30 % đối với DNNVV nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải; đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ thời gian qua. Tuy nhiên, những chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ chỉ giúp các DN được một thời gian ngắn, cho nên các DN địa phương cần phải thay đổi phương thức làm. Chẳng hạn như kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid -19 thì DN có thể chuyển đổi sang mô hình khác, như kinh doanh online; tham gia vào chuỗi sản xuất thiết bị y tế có liên quan đến Covid -19…

Thực tế, tại nhiều DN nhỏ và vừa, việc tiếp cận thông tin, chính sách của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay, Lãnh đạo Hội sẽ có giải pháp gì để giúp thông tin Nghị quyết 116 được đến với tất cả các DN thành viên, đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc, thủ tục cho các DN?

Mục tiêu của Hiệp hội là không chỉ hỗ trợ cho các DN hội viên mà còn hỗ trợ cho tất cả các DN, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn tái thiết, phục hồi kinh tế. Hiệp hội luôn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các Chi hội, Hiệp hội địa phương để họ tiếp cận được với các chính sách, các gói hỗ trợ, để các DN hiểu và tự xác định mình có thuộc đối tượng được giảm thuế. Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, hành động kịp thời của Chính phủ, Hiệp hội đã chủ động kết nối các hội viên DN được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất, kinh doanh thông qua  hàng loạt các hoạt động, hội thảo, chương trình ký kết với các ngân hàng, tổ chức quốc tế mà mới đây nhất là ký kết hợp tác chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhằm mục đích hỗ trợ các DN hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thu Giang (t/h)