Thêm áp lực thuế carbon cho doanh nghiệp

23:25 01/02/2023

Gần đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) lại thêm một tiêu chí vào hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này, đó là thuế carbon hay còn gọi là thuế bảo vệ môi trường.

EU thông báo sẽ thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM). Hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chí chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động cũng như an toàn môi trường.

Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu chia sẻ, lần đầu tiên châu Âu đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp, giữa những công ty phải trả giá carbon ở châu Âu và cả những doanh nghiệp không trả giá tại các quốc gia khác. Điều này giúp châu Âu làm được nhiều hơn cho khí hậu hiện nay nhằm bảo vệ doanh nghiệp thực hiện đúng tiêu chí bảo vệ môi trường và cả bảo vệ việc làm cho người lao động. Vì vậy, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của châu Âu, doanh nghiệp bắt buộc phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại châu Âu.

Chính sách này có ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi muốn tiến vào thị trường châu Âu, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế. Bởi CBAM trước tiên áp dụng cho những sản phẩm phát thải carbon lớn như sắt thép, xi măng, phân bón, điện… nên các doanh nghiệp những lĩnh vực khác còn có thời gian chuẩn bị để tới thời điểm Liên minh châu Âu thực hiện còn có thể đáp ứng được ngay. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Việc này tạo nên một vấn đề lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào châu Âu, đó là thêm một chứng chỉ về môi trường để có thể lưu thông tại thị trường khó tính này. Bởi vậy, doanh nghiệp đang cần một chính sách cụ thể từ phía Chính phủ để hoạt động kiểm tra và cấp chứng chỉ carbon cho các đơn vị kinh doanh được nhanh chóng.

Chia sẻ về sản xuất xanh, giảm áp lực khí thải carbon ra môi trường, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75 - 96 tiêu chí đánh giá. Hơn 10 năm trước, hàng loạt quy trình đã được doanh nghiệp thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt những nhãn hàng cao cấp.

Nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất, bảo vệ môi trường sống của người tiêu dùng từ nhiều năm trước, chỉ thiếu một chứng chỉ chứng nhận cụ thể. Do đó, việc còn lại chính là giải quyết chứng chỉ carbon để hàng hóa “thêm chất bôi trơn” khi tiến vào thị trường châu Âu khó tính.

Ngọc Phi (tổng hợp)