Tỷ lệ doanh nghiệp Việt áp dụng tốt mô hình kinh doanh tuần hoàn cao nhất là 5,5%

20:52 22/10/2022

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở mức tốt chỉ dao động từ 3,3% - 5,5%.

Phát tại Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ IV năm 2022 với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ”, ngày 20/10, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn hiện là mô hình được chú trọng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Ảnh minh họa
Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ IV năm 2022 với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ”. 

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên có mục đích kết nối các trường đại học - doanh nghiệp - địa phương trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ gồm 88 quốc gia thành viên và quan sát viên, đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu qua 3 năm tổ chức (2019, 2020 và 2021).

Diễn đàn Franconomics lần thứ IV với chủ đề mang tính thời sự cao “Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ” đã cập nhật kịp thời những thông tin hữu ích về kinh tế tuần hoàn, làm tăng uy tín của sự kiện này.

Tại diễn đàn, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Pháp tại Hà Nội cho rằng, các công nghệ mới đang tạo ra cho chúng ta nhiều cơ hội, đồng thời lại làm trầm trọng thêm các vấn đề về phát triển, đặc biệt là sự chênh lệch giàu nghèo giữa các nước.

Để giải quyết các vấn đề đó, nền kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp tiềm năng đầy hứa hẹn. Song cũng đòi hỏi sự đầu tư và kiến thức, đạo đức và trách nhiệm, thẩm mỹ và cả tình yêu - tình yêu nhân loại và tình yêu thiên nhiên.

Ảnh minh họa
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt áp dụng tốt mô hình kinh doanh tuần hoàn còn thấp. 

“Điều kiện cần thiết cho sự thành công của kinh tế tuần hoàn là sự huy động nỗ lực của mọi chính phủ, mọi doanh nghiệp và mọi thành viên của nhân loại”, ông Lập nói.

Theo thống kê, thế giới đang tiêu thụ tới 100 tỷ tấn nguyên, vật liệu mỗi năm, và chỉ 8,6% trong số này được đưa trở lại để tiếp tục phục vụ đời sống.

Mặt khác, hơn 70% lượng rác thải sinh hoạt toàn cầu hiện nay (tương đương khoảng 1,47 tỷ tấn) vẫn đang bị thải bỏ một cách lãng phí tại các bãi chôn lấp mỗi năm và chỉ khoảng 13,5% lượng rác phát sinh được tái chế.

Trước thực trạng này, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, rất cần sự nỗ lực và đoàn kết rất lớn giữa các quốc gia để cùng nhau phát triển, thúc đẩy các sáng kiến, ý tưởng đổi mới sáng tạo giúp nâng cao khả năng tuần hoàn tài nguyên, tận thu giá trị của rác thải, tăng tỷ lệ tái chế, hạn chế khai thác nguyên, vật liệu thô.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững, vừa tạo động lực, vừa là áp lực buộc doanh nghiệp phải đổi mới.

Từ đó, dần hình thành những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn cả ở cấp độ chuỗi, nhóm và ở các doanh nghiệp riêng lẻ thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dựa trên các đặc điểm ngành đã thiết kế các quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc các hoạt động sản xuất bước đầu tiếp cận mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng đổi mới mô hình kinh doanh ở mức tốt chỉ chiếm 3% - 6%. Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở mức tốt dao động từ 3,3% - 5,5%.

Nguyên nhân của tỷ lệ còn thấp này là các quy định về kinh tế tuần hoàn/kinh doanh tuần hoàn chưa được cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, ít được triển khai trong thực tế. 

Còn thiếu các hỗ trợ cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh theo hướng tuần hoàn như các hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo, tư vấn, thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm áp dụng các mô hình, quy trình theo hướng kinh doanh tuần hoàn.

Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn/kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế bởi các rào cản về công nghệ, khuyến khích về mặt kinh tế, các yếu tố xã hội, các yếu tố về chuỗi giá trị. 

Ông Cương cho rằng, bối cảnh quốc tế đang rộng mở tiềm năng, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, bởi Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), có FTA với 60 nền kinh tế, trong đó có một số nền kinh tế cộng đồng Pháp ngữ.

“Với 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế rất lớn. Thêm nữa, từ năm 2021, Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ (SNSF) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) phối hợp hỗ trợ 10 nhóm các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ và Việt Nam cùng thực hiện những đề tài về bảo vệ môi trường, y khoa, kinh tế tuần hoàn và những dự án đổi mới phát triển tại hai quốc gia”, ông Cương nói.

H.Anh