TS. Nguyễn Văn Thân: 5 thách thức mà các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt khi thực thi Hiệp định EVFTA

00:00 12/10/2020

Ngày 3/10, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Hợp tác kinh tế Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp cùng Đài tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, đồng thởi mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao thương sâu, rộng hơn vào thị trường châu Âu trong điều kiện thuận lợi mà Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực. Tham gia hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có những ý kiến về các cơ hội cũng như thách thức của Hiệp dịnh EVFTA trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Văn Thân, đây là một hội thảo có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 đang làm chao đảo hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả nền kinh tế Việt Nam và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, chúng ta phải chúc mừng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.Việc ngăn chặn thành công làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19 một lần nữa thể hiện đường lối đúng đắn, sự đoàn kết trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Sự thắng lợi của 3 năm liền thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước và việc phòng, chống đại dịch Covid-19 là một minh chứng đầy thuyết phục cho nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng: “Việt Nam là “một điểm đến đáng sống, đáng để hợp tác và đầu tu".

TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Cũng tại Hội nghị, ông cho rằng cơ hội của hiệp định là rất lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, muốn thành công thì phải biết rõ được những khó khăn và hạn chế từ phía mình. Thị trường EU là một thị trường rất lớn: bao gồm 27 quốc gia với dân số khoảng gần 500 triệu người, thu nhập bình quân rất cao (lên đến 36.000 USD/người); có một nền tảng vững chắc về thể chế, chính sách và pháp luật - một thị trường rất khó tính, đòi hỏi phải có: Một tấm thế “đổi mới, cầu thị, hợp tác và thành công”.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nêu ra 5 thách thức điển hình mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi thực thi Hiệp định này:

1) Thách thức từ tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ chế trao đổi thông tin.

- Chủ trương phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước là vô cùng đúng đắn; Việt Nam hiện đã có 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cả song phương lần đa phương, và gần đây nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA, nhưng kết quả gặt hái được từ các hiệp định này là chưa nhiều. Nguyên nhân chính là bởi các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với vấn đề này, dẫn đến việc phối hợp chưa đạt hiệu quả cao.

2) Thách thức từ nguồn lực lao động:

- Nhìn chung là năng suất lao động của người Việt Nam so với các nước trong khu vực và châu Âu là tương đối thấp, nên các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào nước ta, rất khó có thể tuyển dụng được lao động đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đầu vào của họ. Vấn đề nằm ở chỗ: Đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn tập trung nhiều vào hệ đại học mà chưa tập trung vào đào tạo nghề. Về phía doanh nghiệp, họ cũng thờ ơ với việc tập huấn, nâng cao tay nghề cho người lao động, nên hằng năm chúng tôi thấy số lượng đơn đặt hàng của doanh nghiệp với các trường đào tạo nghề còn hạn chế.

Về phía Chính phủ, nên tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng học sinh ra trường có tay nghề cao.

Về phía doanh nghiệp, cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho doanh nghiệp mình.

3) Thách thức từ “cơ sở hạ tầng cứng”:

- Trong nhiều năm gần đây, chúng ta nhìn thấy rất ít bóng dáng của các nhà đầu tư châu Âu vào các dự án xây dựng đường xá, cầu phà, logistic... Vậy chúng tôi thiết nghĩ, với Hiệp định EVFTA này, Chính phủ nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Liên

minh châu Âu tham gia vào các dự án đầu tư công trong nước. Chúng ta nên tận dụng khoa học công nghệ, máy móc, kỹ thuật hiện đại của 27 nước châu Âu, nhưng cũng không quên đặt điều kiện với họ, chẳng hạn như phải có trách nhiệm thuê các nhà thầu phụ của Việt Nam và sử dụng lao động trong nước với một tỷ lệ nhất định.

4) Thách thức từ việc tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định:

- Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã rất tích cực hành động để đảm bảo các doanh nghiệp trong nước tuân thủ nguyên tắc của hiệp định về bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động và trách nhiệm với xã hội... Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ thì Chính phủ nên đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về nội dung của các hiệp định. Nên có cơ chế khen thưởng, tuyên dương xứng đáng đối với các điển hình tiên tiên trong việc tuân thủ tốt các quy định; đồng thời cũng phải tăng hình phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm.

5) Thách thức từ cạnh tranh trên thị trường nội địa:

Việc giao thương với các nước EU không phải là điều mới mẻ đối với Việt Nam, cả trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp của ta làm việc với thị trường này, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, dệt may và da giày. Vậy để cạnh tranh được với các doanh nghiệp châu Âu trên sân nhà thì các doanh nghiệp chưa tiếp cận với thị trường EU, nên trở thành “vệ tinh” của các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, để học hỏi và tránh những vi phạm đáng tiếc xảy ra. Khi các vệ tinh này “đủ chín” và có thể tách riêng, thì | họ sẽ trở thành những doanh nghiệp đầu chuỗi và tiếp tục thu nhận các “vệ tinh” mới. Về phía Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng nên phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu để tuyên truyền, quảng bá về các hiệp định FTA.

Cuối cùng, thay mặt cộng đồng DNNVV Việt Nam,TS Nguyễn Văn Thân chúc cho sự hợp tác giữa Việt nam và EU nói chung và Việt Nam - Đức nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu và bền vững.

Bảo Trinh