Trung Quốc phát triển AI bằng cách kết hợp nhiều chip đời cũ

11:25 10/05/2023

Các công ty Trung Quốc đang tìm giải pháp hạn chế sự phụ thuộc vào chip điện tử phương Tây, ngoài ra còn tích hợp nhiều dòng chip cũ để hạn chế được rủi ro phụ thuộc vào một nhà cung ứng,

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo The Wall Street Jounal (WSJ) đưa tin, các lệnh trừng phạt của Mỹ đang thúc đẩy các hãng công nghệ Trung Quốc tăng tốc nghiên cứu để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) mà không cần phụ thuộc vào các chip bán dẫn tiên tiến của Mỹ.

Hàng loạt lệnh cấm của Mỹ khiến lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc gặp khó. Trong đó, tham vọng dẫn đầu về AI càng trở nên khó đạt khi từ cuối năm ngoái, Mỹ yêu cầu các công ty như Nvidia và AMD ngừng xuất khẩu chip AI hàng đầu sang Trung Quốc.

Theo WSJ, các công ty Trung Quốc đang tìm giải pháp hạn chế sự phụ thuộc vào chip điện tử phương Tây, ngoài ra còn tích hợp nhiều dòng chip cũ để hạn chế được rủi ro phụ thuộc vào một nhà cung ứng khi phát triển AI.

Baidu, Huawei hay Alibaba là những ông lớn đi tiên phong cho xu thế này và điều đáng nói hơn là đã có những thành công nhất định trên con đường này.

Các công ty công nghệ lớn Trung Quốc như Huawei, Baidu và Alibaba đang nghiên cứu các kỹ thuật có thể cho phép họ đạt được hiệu suất AI cao nhất mà ít dùng tới các chip, đồng thời nghiên cứu cách kết hợp các loại chip khác nhau để tránh phụ thuộc vào bất kỳ phần cứng nào.

WSJ đánh giá, nếu phát triển thành công, công nghệ trên có thể giúp các công ty Trung Quốc tăng khả năng chống chịu được các biện pháp trừng phạt hiện hành của Mỹ, đồng thời phát triển bất chấp các đòn trừng phạt trong tương lai.

Trong một hội nghị kín về AI ở Bắc Kinh gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết đã tích trữ được từ 40.000 đến 50.000 chip A100 để đào tạo mô hình AI lớn. Riêng những công ty hàng đầu như Alibaba và Baidu đã dự trữ A100 từ trước lệnh trừng phạt.

Baidu được cho là đã đình chỉ gần hết các nhóm sử dụng A100, gồm cả bộ phận xe tự lái, để tập trung chip cho phát triển Ernie Bot - chatbot có tính năng tương tự ChatGPT của OpenAI. Tuy nhiên, họ cũng tìm cách đưa chip nội địa vào các hệ thống AI, như DCU của Hygon Information Technology, Ascend của Huawei và Kunlun do Baidu tự phát triển.

Hồi tháng 4 năm 2023, Tencent đã giới thiệu cụm tổ hợp dùng hàng loạt chip Nvidia H800 để phát triển AI cỡ lớn.

Cách làm của Tencent được cho là khá tốn kém. Bởi lẽ Trung Quốc sẽ phải sử dụng hơn 3.000 chip H800 để đạt cùng kết quả như khi một doanh nghiệp Mỹ cần 1.000 chip H100.

Do chip tiên tiến khan hiếm nên các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc phải thử dùng kết hợp chắp vá nhiều loại chip để cho ra hiệu quả tương tự.

Chẳng hạn như Baidu, Huawei va Alibaba đã thí nghiệm kết hợp P100, V100 với những dòng chip cũ của Nvidia A100, liên kết với Ascend của Huawei nhằm phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chip nội địa không đáng tin cậy trong việc đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vì dễ bị hỏng. Do đó, theo giáo sư Yang You tại Đại học Quốc gia Singapore, nhiều công ty Trung Quốc cố gắng kết hợp ba hoặc bốn chip A800 và H800 để tạo một hệ thống mạnh tương đương A100 và H100. Cách này thực sự tốn kém. 

Theo giáo sư Yang, sự tốn kém buộc các công ty Trung Quốc phải kết hợp nhiều loại chip - điều trước đây chỉ doanh nghiệp nhỏ muốn tiết kiệm chi phí mới làm. 

Bên cạnh việc chắp vá chip, các công ty Trung Quốc còn kết hợp nhiều phần mềm khác nhau cho phát triển AI để đạt hiệu quả cao nhất trong khi bị cấm vận công nghệ.

Tháng 3 vừa qua, Huawei đã tuyên bố xây dựng mô hình đào tạo ngôn ngữ lớn LLM thành công tên là Pangu mà chỉ sử dụng chip Ascend do chính họ phát triển.

Các nhà nghiên cứu và nhà phân tích cho biết mục tiêu vượt qua các công ty hàng đầu của Mỹ về phát triển AI vẫn là một thách thức lớn bởi việc không có quyền tiếp cận các mẫu chip mới nhất như A100 hay H100 khiến các hệ thống AI từ Trung Quốc còn rất lâu mới có thể đuổi kịp các sản phẩm như ChatGPT. Thế nhưng các công ty Trung Quốc bước đầu đã đạt được một số thử nghiệm đầy hứa hẹn.

Nếu được phát triển thành công, các công ty Trung Quốc sẽ vượt qua những hạn chế từ các lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ và thậm chí trở nên kiên cường hơn trước bất kỳ lệnh trừng phạt nào trong tương lai.

Trước đó, tờ Bloomberg News đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang có kế hoạch đưa nhà sản xuất chip Trung Quốc Yangtze Memory Technologies và 35 công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen thương mại để ngăn họ mua một số linh kiện của Mỹ.

Phương Linh (t/h)