Trọng tâm cuộc họp quan chức cấp cao đầu tiên của Liên minh chất bán dẫn "Fab 4"

21:50 26/02/2023

Liên minh bán dẫn 'Chip 4' hoặc 'Fab 4' do Mỹ lãnh đạo với Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao. Đây là thông tin được Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết hôm 25/2.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết hôm 25/2, liên minh bán dẫn "Fab 4" do Mỹ lãnh đạo gồm Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao vào đầu tháng này tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết: "Nhóm làm việc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn Mỹ-Đông Á (hay Fab 4) sau nhiều tháng phối hợp đã tổ chức cuộc họp video đầu tiên của các quan chức cấp cao từ nhóm hôm 16/2.

"Trọng tâm các cuộc thảo luận của bộ tứ tham gia tại cuộc họp chủ yếu là về cách duy trì khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chất bán dẫn và khám phá các hướng hợp tác có thể có trong tương lai của tất cả các bên.

Là một thành viên quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đài Loan đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời có quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng với các nước trong khu vực".

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan không nêu chi tiết các quan chức nào tham gia cuộc họp.

Vào tháng 9.2022, Mỹ đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của nhóm làm việc, thường được gọi là Fab 4 hoặc Chip 4, để thảo luận về cách củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn, sau cuộc khủng hoảng chip toàn cầu do đại dịch gây ra.

Sự thiếu hụt chất bán dẫn buộc một số nhà sản xuất ô tô phải ngừng sản xuất, khiến Đài Loan (trung tâm sản xuất chip thế giới) trở thành tâm điểm chú ý và việc quản lý chuỗi cung ứng trở thành ưu tiên lớn hơn của các chính phủ trên thế giới.

Theo Reuters, "Fab" trong tên của nhóm 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đề cập đến một cách diễn đạt trong ngành cho các nhà máy sản xuất chip - thứ được sử dụng trong nhiều đồ vật, từ tủ lạnh và điện thoại thông minh cho đến máy bay chiến đấu.

Thành viên của nhóm là nơi đặt trụ sở của nhiều nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới.

Các thành viên của nhóm có TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan), Samsung Electronics và SK Hynix (hai gã khổng lồ chip nhớ Hàn Quốc), các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu bán dẫn chính của Nhật Bản.

Vài năm gần đây, chính quyền nhiều quốc gia tung ra ưu đãi cho hoạt động sản xuất chip ngay tại nước họ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung sản phẩm bán dẫn tiên tiến từ Đài Loan, tránh nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong tương lai.

TSMC cố gắng xoa dịu lo ngại bằng cách xây thêm cơ sở sản xuất ở Mỹ và Nhật Bản, sắp tới có thể ở Đức.

Trước rủi ro TSMC đem theo công nghệ tiên tiến nhất ra đi cùng nỗi lo mất “lá chắn silicon”, Đài Loan nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu với các biện pháp như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và động thái mới nhất chính là thông qua đạo luật chip.

Đầu tháng 1, các nhà làm luật Đài Loan thông qua đạo luật với loạt quy định mới cho phép các công ty chip nội địa chuyển 25% chi phí nghiên cứu & phát triển (R&D) hàng năm của mình thành tín dụng thuế. Đây là một phần trong nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ bán dẫn, giữ công nghệ tiên tiến ở lại. Đạo luật có hiệu lực ngay từ năm 2023.

Công ty chip tại Đài Loan có thể dùng 5% số tín dụng thuế nêu trên mua sắm thiết bị mới dùng cho công nghệ tiên tiến, tuy nhiên tín dụng thuế không được vượt quá 50% tổng số thuế thu nhập hàng năm.

Minh Hà