Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu về giao dịch trên thị trường trung tâm dữ liệu

21:59 08/05/2024

Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã dẫn đầu các hoạt động giao dịch trên thị trường trung tâm dữ liệu (data center) toàn cầu trong năm nay, với giá trị M&A đạt 840,47 triệu USD, chiếm hơn một nửa số tiền toàn cầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ thúc đẩy nhu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các nhà đầu tư tư nhân và nhà quản lý tài sản trên khắp thế giới đã sẵn sàng rót tiền cho các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trị giá hàng tỷ đô la cũng như các khoản đầu tư liên quan đến trung tâm dữ liệu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các giám đốc trong ngành cho biết, Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đông dân nhất thế giới, đang chứng kiến tốc độ giao dịch cực nhanh trước sự bùng nổ của AI, vì vậy, họ đòi hỏi năng lực lưu trữ dữ liệu cao hơn.

Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã dẫn đầu các hoạt động giao dịch trên thị trường trung tâm dữ liệu (data center) toàn cầu trong năm nay, với giá trị M&A đạt 840,47 triệu USD, chiếm hơn một nửa số tiền toàn cầu, theo dữ liệu của tập đoàn tài chính LSEG.

Vào năm 2023, các thương vụ data center của khu vực đạt mức cao kỷ lục 3,45 tỷ USD, vẫn theo LSEG. Năm nay, con số đó sẽ bị vượt qua với ít nhất một vài giao dịch lớn đang sẵn sàng.

Các chủ sở hữu AirTrunk - Tập đoàn Macquarie và Ủy ban Đầu tư hưu trí Khu vực công của Canada (PSP) đang đặt mục tiêu định giá doanh nghiệp lên tới 15 tỷ AUD (9,8 tỷ USD). Đây có thể là giao dịch trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Á trong năm 2024.

Garren Cronin, CEO hãng tư vấn Cadence Advisory, nhận xét: "Cuộc cách mạng AI đang tạo ra nhu cầu chưa từng có về năng lực trung tâm dữ liệu chất lượng cao. Năng lực mới cần được xây dựng ở APAC trong 3 đến 5 năm tới vô cùng đáng kinh ngạc. Tôi dự đoán dòng chảy giao dịch trong thị trường trung tâm dữ liệu sẽ được tăng cường vào năm nay".

Tuần trước, Microsoft cho biết, họ sẽ rót 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới tại Malaysia để mở rộng các dịch vụ đám mây và AI trên khắp châu Á. Một ngày sau khi công bố khoản đầu tư trị giá 1,7 tỷ USD vào AI và các cơ sở đám mây ở Indonesia, hãng phần mềm thông báo mở trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên tại Thái Lan.

Sự gia tăng các khoản đầu tư vào data center ở châu Á đi theo một quỹ đạo tương tự như ở Mỹ và châu Âu khi những "gã khổng lồ" công nghệ, bao gồm Amazon, Microsoft, Alphabet và Meta Platforms nhanh chóng mở rộng năng lực AI của mình.

Các thương vụ tiềm năng khác ở châu Á cũng phải kể tới Telkom Indonesia, thuộc sở hữu nhà nước, mở đợt bán cổ phần mới trong trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ USD. NEC của Nhật Bản có thương vụ bán trung tâm dữ liệu trị giá 500 triệu USD.

Theo cơ quan bất động sản thương mại Cushman và Wakefield, nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng lên trên khắp châu Á. Công suất hoạt động tại Singapore dự kiến sẽ vượt quá 1 gigawatt trong năm nay, trong khi các thị trường ở Tokyo, Sydney đang trên đà vượt quá 2 gigawatt trong vòng 5 đến 7 năm tới. Cơ quan này cho biết thêm, bang Johor của Malaysia đang trải qua tình trạng “lan tỏa” nguồn cung cấp trung tâm dữ liệu từ nước láng giềng Singapore, nằm ngay phía nam.

Theo dữ liệu của chính phủ, Hàn Quốc dự kiến sẽ có 732 trung tâm dữ liệu vào năm 2029, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã đưa ra quan ngại rằng, việc tập trung các trung tâm dữ liệu ở khu vực Greater Seoul có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện. Chính phủ Hàn Quốc đang thúc giục các công ty đặt trung tâm dữ liệu ở những nơi khác.

Trong một diễn biến khác, theo chuyên gia nghiên cứu công nghệ thông tin IDC Nhật Bản, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản dự kiến sẽ đầu tư hơn 500 tỷ yên (3 tỷ USD) vào năm 2024, nhiều hơn khoảng 50% so với năm 2023 và mức chi tiêu này dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2027. IDC cho biết, các máy chủ AI, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các máy chủ thông thường, đang ngày càng được triển khai nhiều hơn và là yếu tố giúp tăng công suất trung tâm dữ liệu.

Mai Anh (T/h)