Top xu hướng thương mại điện tử được dự đoán sẽ phát triển mạnh năm 2024

17:03 25/12/2023

Nếu bạn đang tập trung vào phát triển chiến lược kinh doanh của mình trong lĩnh vực thương mại điện tử, những xu hướng dưới đây có thể giúp bạn hoạch định hướng đi cho doanh nghiệp trong năm 2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

1. Công nghệ thực tế tăng cường (AR)

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) được xem là xu hướng công nghệ mới cho phép người dùng trải nghiệm thế giới thực thông qua lăng kính và sự tích hợp của các yếu tố kỹ thuật số. Hình ảnh số được hiển thị trên màn hình thông qua máy ảnh sẽ tạo ra trạng thái giống như bạn đang nhìn thấy sản phẩm trực tuyến trong thực tế.

Theo thống kê từ Statista, có 16% lượng người mua sắm ở Hoa Kỳ đánh giá cao tầm quan trọng của AR khi họ thực hiện quyết định mua sắm, dự kiến con số này sẽ gia tăng khi công nghệ AR được cải thiện và trở nên thân thiện và dễ sử dụng hơn.

Một số trải nhiệm thực tế của AR trong lĩnh vực thương mại điện tử, bao gồm: Thử đồ ảo và xem trước sản phẩm; Hướng dẫn sử dụng sản phẩm; Tương tác tăng cường trong trải nghiệm mua sắm.

2. D2C (mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất) 

Mô hình kinh doanh D2C (Direct to Consumer) được hiểu là doanh nghiệp sẽ sản xuất, phân phối và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng mà không cần thông qua các kênh trung gian truyền thống như bán lẻ, đại lý hoặc nhà phân phối.

Lý do khiến mô hình D2C phát triển mạnh do người tiêu dùng tìm thấy sự hấp dẫn khi mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, họ cảm nhận được sự tiện lợi cùng chi phí hợp lý hơn khi mua hàng tại các điểm bán lẻ hoặc nhà phân phối.

Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng, ở Trung Quốc cứ 10 người thì đến 4 người mua hàng trực tuyến ưa thích mua từ các cửa hàng D2C. Tại Hoa Kỳ, mô hình kinh doanh D2C đạt doanh số 128 tỷ USD vào năm năm 2021 và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, ước tính đạt 213 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ vượt quá 450 tỷ USD vào năm 2025.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.
3. Mua hàng từ nhà bán hàng nước ngoài
Mua sắm từ các nhà bán hàng quốc tế trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến trong thời đại thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee, Lazada và TikTok Shop đều cung cấp các gian hàng nước ngoài, ghi nhận doanh thu ấn tượng.
Thống kê trong năm 2020 và 2021 chỉ ra rằng, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam mua sắm qua các trang web nước ngoài đã tăng từ 36% lên 43% chỉ trong vòng 1 năm; Số người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trực tiếp từ các trang web nước ngoài cũng tăng mạnh từ 49% lên 56%; Và tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm từ người bán nước ngoài trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam cũng tăng từ 41% lên 57%. Điều này cho thấy sự phát triển tích cực của xu hướng kinh doanh này trong thời gian tới.
4. Giao hàng trong ngày
Giao hàng trong ngày đang là xu hướng quan trọng của thương mại điện tử trong năm 2024, được người tiêu dùng rất kỳ vọng từ các thương hiệu. Theo Invespcro, gần một nửa số người mua hàng cho biết việc có dịch vụ giao hàng trong ngày là yếu tố quyết định nhu cầu mua sắm trực tuyến của họ. Ngoài ra, theo thống kê từ Statista, thị trường giao hàng trong ngày được dự đoán sẽ đạt giá trị 14,9 tỷ USD vào năm 2024.
H.C (t/h)