Tổng cục Quản lý thị trường: Kiên quyết xử lý những cửa hàng xăng dầu cố tình đóng cửa

22:43 22/12/2022

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, sắp tới diễn biến xăng dầu dự báo sẽ còn nhiều phức tạp, do lệ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới.

Ngày 22/12, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu do có sự biến động về nguồn cung do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước nên một số thương nhân đầu mối không đủ nguồn xăng dầu cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp tạm nghỉ do hết xăng dầu, có trường hợp vẫn mở cửa bán nhưng hết xăng hoặc hết dầu, hoặc chỉ bán theo định mức. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, sắp tới diễn biến xăng dầu dự báo sẽ còn nhiều phức tạp, do lệ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, sắp tới diễn biến xăng dầu dự báo sẽ còn nhiều phức tạp, do lệ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, sắp tới diễn biến xăng dầu dự báo sẽ còn nhiều phức tạp, do lệ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới. Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu được liên tục, đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bám sát quyết liệt, kiên quyết xử lý những cửa hàng xăng dầu cố tình đóng cửa hoặc trì hoãn việc nhập hàng và bắt buộc các trạm xăng dầu phải hoạt động theo đúng thời gian quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có kế hoạch tổng thanh tra các công ty cung ứng xăng dầu trong cả nước (chậm nhất đến hết quý II/2023 sẽ hoàn tất công tác thanh tra) để làm cơ sở đóng góp cho Bộ Công Thương xây dựng Nghị định trình Chính phủ xem xét ban hành sửa đổi Nghị định hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu cho phù hợp nhất. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang là một trong những địa bàn trọng điểm về hàng lậu, có dấu hiệu gia tăng như thuốc lá, đường cát, pháo lậu… nên cần phải tập trung, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm này.

“Hiện, việc nhức nhối nhất được ghi nhận của Tổng cục Quản lý thị trường là giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận Tân Bình) hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu hàng cao cấp vẫn được bán công khai, cho thấy sự xem thường pháp luật của các tiểu thương là điều không thể chấp nhận được, sắp tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh vấn đề này", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh thêm.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam những ngày cuối năm 2022 và năm 2023 cần tiếp tục tăng cường phối hợp để giải quyết các vụ việc phát sinh; đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phối hợp, tạo điều kiện cho các Cục Quản lý thị trường ở các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định thị trường trong nước, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn mà hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được đưa về đến tận các chợ nông thôn, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Cùng với đó, nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai qua các trang mạng xã hội cũng phần nào gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng của các đơn vị quản lý thị trường.

P.V (t/h)