Nhiều yếu tố khiến lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm suy giảm

17:19 01/07/2022

Năm 2022, phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) dự kiến mức tăng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2022 chỉ từ 10 - 14%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thực tế năm 2021 (24,98%), thông tin trên được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đưa ra trong công bố danh sách “Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2022” vào ngày1/7.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp mảng phi nhân thọ khá thận trọng với kế hoạch tăng lợi nhuận âm hoặc dương nhưng với mức thấp hơn tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm gốc.

Nguyên nhân của mức kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thấp trong năm đến từ ba yếu tố chính gồm xu hướng giảm đà tăng trưởng của nhóm bảo hiểm nhân thọ đã rõ nét hơn trong hai năm trở lại đây. Thêm vào đó, các khoản chi phí tăng mạnh trở lại khi cuộc sống trở về bình thường như tỷ lệ bồi thường, chi phí bán hàng… Cuối cùng, đó cơ hội đầu tư ảm đạm đối với các DNBH. 

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, những khó khăn trên chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn lớn khi thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng khi tỷ lệ thâm nhập ngành ở mức thấp, dân số đông và trẻ, khung pháp lý tiếp tục được nới rộng sẽ tạo đà cho các DNBH phát triển...

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) ở mức thấp, lần lượt ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển.

Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm dự kiến sẽ được Bộ Tài chính nâng lên 15% vào năm 2025 khi hiện tại tỷ lệ người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10% dân số. Ngành bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).

Đơn cử như mới đây, Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023), được kỳ vọng mang đến làn gió mới cho thị trường bảo hiểm. 

Trước đó, tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành.

An Thảo