Tòa chưa thể tuyên vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng

00:00 12/10/2020

Hội đồng xét xử thông báo xét thấy còn một số vấn đề cần làm rõ nên HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi xoay quanh phần bồi thường thiệt hại.

Đại diện Vinasun và Grab (bìa phải) tại tòa.

Theo dự kiến, chiều 29/10 TAND TP.HCM sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khởi kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) yêu cầu phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lúc hơn 14h chiều nay, hội đồng xét xử (HĐXX) thông báo xét thấy còn một số vấn đề cần làm rõ nên HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi xoay quanh phần bồi thường thiệt hại.

Trở lại phần xét hỏi, chủ tọa hỏi đại diện Vinasun về con số thiệt hại mà phía công ty này khởi kiện. Đại diện Vinasun cho biết, từ khi Grab tham gia thị trường kinh doanh taxi cùng với việc tăng đầu xe và các hành vi vi phạm phát luật khác của Grab, khách bỏ đi, tài xế của Vinasun nghỉ việc. Phía Vinasun nêu, từ 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, có 2.777 xe của Vinasun phải nằm bãi, nguyên nhân tình trạng này đến từ phía Grab.

HĐXX đặt nhiều câu hỏi chất vất về tính xác thực của con số thiệt hại mà Vinasun đề cập vì cho rằng tại thời điểm đó không chỉ riêng hoạt động của Grab mà còn có nhiều hãng xe khác. Chủ tọa cho rằng thiệt hại có thể có nhưng để chứng minh rất khó, có sự chủ quan của doanh nghiệp, khách quan của thị trường. Theo quy định của luật thì cần phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun. 

Đại diện Vinasun vẫn khẳng định không phải là đánh giá chủ quan của doanh nghiệp này mà do sự phát triển nhanh chóng của Grab, sự chiếm lĩnh thị trường của Grab khiến cho khách hàng không còn tin Vinasun.

Đại diện phía Grab vẫn giữ nguyên đề nghị yêu cầu giám định lại thiệt hại vì cho rằng kết quả giám định của Công ty Cửu Long không chính xác. 

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa. Dự kiến tòa sẽ xử vào ngày 22/11 tới.

Trước đó chiều ngày 23/10, sau nhiều ngày diễn ra phiên tòa Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun yêu cầu Grab phải bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, đại diện VKS cho rằng, trong đăng ký doanh nghiệp của Grab có ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách đường bộ, trừ vận tải bằng xe buýt. Thực tế hoạt động cho thấy Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải. Grab đã lợi dụng đề án 24 để điều hành vận tải taxi, có hành vi xác định giá cước, tăng giảm chiết khấu, thưởng phạt, mua bảo hiểm dân sự tự nguyện cho hành khách… Đây là các hành vi mà Grab không được phép làm.

Theo đó, VKS xác định Grab kinh doanh vận tải taxi, Grab đã kê khai không trung thực, có hành vi vi phạm về khuyến mãi, theo giám định thì 74% khách hàng chuyển từ Vinasun sang Grab do giá cước rẻ, doanh thu của Grab mỗi năm mỗi tăng, tốc độ tăng nhanh. Từ năm 2014 đến năm 2017, Grab báo lỗ 1.700 tỷ đồng, chủ yếu do khuyến mãi.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Vinasun cho rằng trên thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Theo đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.

HUYỀN TRÂM