TikTok và công ty mẹ ByteDance đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ

11:43 08/05/2024

Trong đơn kiện, TikTok cho biết, Quốc hội đã "thực hiện bước đi chưa từng có là chọn ra và cấm TikTok một cách rõ ràng" và gọi động thái này là "vi hiến".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 7/5, TikTok và công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về đạo luật mới buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi nền tảng chia sẻ video ngắn, nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại nước này.

Đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở thủ đô Washington chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật, yêu cầu ByteDance phải bán TikTok cho một bên mua không thuộc Trung Quốc trong vòng 270 ngày, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.

Trong đơn kiện, TikTok cho biết, Quốc hội đã "thực hiện bước đi chưa từng có là chọn ra và cấm TikTok một cách rõ ràng" và gọi động thái này là "vi hiến".

Đơn khiếu nại lập luận rằng, việc ByteDance bán TikTok là không thể và luật pháp sẽ "buộc (TikTok) đóng cửa" vào ngày 19/1/2025.

"Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một đạo luật nhắm đến một nền tảng ngôn luận duy nhất để cấm vĩnh viễn trên toàn quốc và cấm mọi người Mỹ tham gia vào một cộng đồng trực tuyến độc đáo với hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới", đơn kiện viết.

TikTok lập luận việc viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia không phải là lí do đủ để hạn chế quyền tự do ngôn luận. TikTok khẳng định rằng, chính phủ liên bang Mỹ có trách nhiệm chứng minh lệnh cấm nêu trên là chính đáng và rằng chính phủ liên bang chưa làm được điều này.

Vụ kiện nêu rõ nếu vẫn được giữ nguyên, đạo luật kể trên sẽ tạo tiền đề để chính phủ liên bang viện dẫn lí do an ninh quốc gia và buộc các nhà xuất bản của những nền tảng khác, bao gồm các trang tin tức, phải bán hoặc ngưng hoạt động.

Theo CNBC News, cuộc chiến pháp lý giữa TikTok và Washington đồng nghĩa lệnh cấm TikTok có thể mất nhiều năm mới được thực thi.

Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật cho ByteDance 9 tháng để thoái vốn TikTok hoặc ngừng hoạt động tại Mỹ, với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đơn khiếu nại cáo buộc rằng chính phủ vẫn chưa cung cấp bằng chứng về việc chính phủ Trung Quốc lạm dụng TikTok.

"Ngay cả các tuyên bố của từng thành viên Quốc hội và báo cáo của Ủy ban quốc hội cũng chỉ cho thấy lo ngại về khả năng giả định rằng TikTok có thể bị lạm dụng trong tương lai, mà không trích dẫn bằng chứng cụ thể - dù nền tảng này đã hoạt động một cách nổi bật tại Mỹ kể từ khi nó được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017", đơn kiện nêu rõ.

TikTok lập luận lệnh cấm ở Mỹ sẽ không khả thi vì nó sẽ buộc TikTok phải chuyển "hàng triệu dòng" mã phần mềm từ ByteDance sang chủ sở hữu mới. Bên cạnh đó, những hạn chế từ chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép bán TikTok kèm thuật toán.

TikTok khẳng định, lệnh cấm sẽ biến phiên bản ứng dụng của họ ở Mỹ trở thành một "hòn đảo" mang đến cho người Mỹ "trải nghiệm tách rời" khỏi những người dùng còn lại trong khi làm suy yếu hoạt động kinh doanh của họ.

Ứng dụng này hiện có 170 triệu người dùng tại Mỹ và ByteDance khẳng định, họ không có kế hoạch bán TikTok. Đây là lần thứ hai TikTok phải đối mặt với thách thức pháp lý từ Chính phủ Mỹ. Năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm TikTok, song đã bị các tòa án nước này ngăn chặn.

Vụ kiện mới nhất được cho là có khả năng được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ. Một số chuyên gia tin rằng tòa án có thể ủng hộ Chính phủ Mỹ với lập luận an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu.

Tú Anh (t/h)