Tiktok sa thải và đóng cửa trung tâm hỗ trợ bán hàng tại Ấn Độ

23:31 14/02/2023

Quyết định mới nhất của TikTok được đưa ra sau khi công ty cho biết họ “hy vọng về việc kết nối lại với cộng đồng của chúng tôi ở Ấn Độ” vào tháng 6 năm 2022.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo South China Morning Post, TikTok đã sa thải khoảng 40 nhân viên còn lại ở Ấn Độ trong bối cảnh chính quyền New Delhi tăng cường giám sát quy định đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.

"Chúng tôi quyết định đóng cửa trung tâm hỗ trợ bán hàng tại Ấn Độ, được thành lập vào cuối năm 2020 để cung cấp hỗ trợ cho các nhóm bán hàng toàn cầu và khu vực. Chúng tôi đánh giá rất cao những nhân viên ở trung tâm và tác động của họ đối với công ty. Chúng tôi sẽ đảm bảo họ được hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này", một đại diện của TikTok cho biết mới đây.

“Chúng tôi đánh giá rất cao những nhân viên này và tác động của họ đối với công ty của chúng tôi và sẽ đảm bảo họ được hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này”.

Những người bị sa thải đã được thông báo rằng ngày 28 tháng 2 sẽ là ngày cuối cùng của họ vì TikTok tin rằng việc khởi động lại các hoạt động tại Ấn Độ sẽ không hiệu quả “vì lập trường của chính phủ đối với các ứng dụng Trung Quốc”, theo tin tức trên tờ báo địa phương The Economic Times, trích dẫn một nguồn giấu tên.

Quyết định mới nhất của TikTok được đưa ra sau khi công ty cho biết họ “hy vọng về việc kết nối lại với cộng đồng của chúng tôi ở Ấn Độ” vào tháng 6 năm 2022.

TikTok bị chính phủ Ấn Độ cấm kể từ tháng 6.2020 vì lo ngại an ninh quốc gia. Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ nói rằng các ứng dụng này gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ.

Theo bộ này, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ.

Trước khi bị cấm, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok tính theo lượt tải xuống, chiếm hơn 18% tổng số lượt tải xuống toàn cầu vào tháng 6.2020, cao hơn khá nhiều so với 8,7% của Mỹ, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower.

TikTok cũng phải đối mặt với phản ứng chính trị ngày càng gia tăng ở phương Tây, nơi các nhà lập pháp Hoa Kỳ tuần trước đã xem xét luật lưỡng đảng để cấm ứng dụng Trung Quốc ở nước này vì lo ngại rằng Bắc Kinh có thể buộc ứng dụng này chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ, một cáo buộc mà ByteDance đã nhiều lần bác bỏ.

Thu Hà