Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Chiến tranh tiền tệ tạo áp lực và cơ hội cho doanh nghiệp Việt

00:00 12/10/2020

Chiến tranh thương mại giữa hai “cường quốc kinh tế” Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng trở thành một cuộc “Chiến tranh tiền tệ”. Cuộc chiến này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng riêng đến hai quốc gia mà ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu. Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng về những khó khăn, thuận lợi mà doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải và những lời khuyên của ông để các doanh nghiệp có thể tận dụng thời cơ, hạn chế rủi ro trong thời gian tới.

Thưa Tiến sĩ, ông nhận định thế nào về bản chất và triển vọng của chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa hai nước Mỹ - Trung Quốc ?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ đang ở mức xấu đến rất xấu, dường như không có triển vọng gì để hai bên có thể giải quyết tốt đẹp cuộc chiến này. Ngay tuần trước, một phái đoàn đàm phán của Trung Quốc đã rời khỏi Mỹ mà không đi đến thỏa thuận nào, chứng tỏ việc đàm phán vẫn đang ở trong giai đoạn trì trệ, bế tắc. Taị sao lại có hiện tượng này? Bởi cuộc chiến tranh thương mại không chỉ đơn thuần ở mặt kinh tế, mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc mà đây có thể coi là một cuộc đối đầu giữa hai cường quốc, một cuộc thư hùng “tranh đồ bá vương”. Tổng thống Mỹ Donald Trump, năm 2016 xuyên suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông đã dùng từ “Make America great again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Với khẩu hiệu này, ông Trump muốn đưa nước Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu, không chấp nhận Trung Quốc lấn chiếm vị trí, vai trò của Mỹ trên thế giới. Điều này cho thấy rằng, mặc dù Trung Quốc có thiện chí muốn tiến đến một phương án giải quyết, nhưng phía Mỹ càng ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn. Ông Trump không đi tìm giải pháp, mà ông ta muốn khơi ra và duy trì cuộc chiến này nhằm tạo lợi thế trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020.

Năm 2016, ông Trump đã thành công với khẩu hiệu “Make America great again”, ông ta đã dùng mọi lập luận
để cho thấy rằng Trung Quốc đang sống trên lưng của Mỹ, lạm dụng Mỹ, trở thành đối tượng “thao túng tiền tệ”, lấy đi hàng nghìn công ăn việc làm của người Mỹ. Từ đó đã nâng tầm Trung Quốc lên, tạo cho Trung Quốc cơ hội lấn chiếm vị trí số một của Mỹ. Chính vì vậy, dẫu cho Trung Quốc có tìm cách nhượng bộ, hòa giải đến mấy thì ông Trump cũng sẽ không đồng ý một phương án hòa giải nào, ít nhất là trong năm nay.

Cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra liệu có thể “leo thang” trở thành cuộc “Chiến tranh tiền tệ” giữa hai nước và lan ra các nước khác trên toàn cầu không, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Cuộc “chiến tranh tiền tệ” là cuộc chiến tranh không ai mong muốn cả, ngay cả ông Trump cũng không muốn điều đó, bởi nếu nó diễn ra thì sẽ không có bên nào dành chiến thắng. Nhưng dường như các nước đang tự đẩy mình vào trong một cuộc khủng hoảng tiền tệ, hết nước này đến nước kia tìm cách giảm lãi suất, đồng thời giảm giá trị đồng nội tệ để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Ông Trump vẫn đang tiếp tục tạo áp lực lên Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED để yêu cầu giảm lãi suất xuống mức 0%, thậm chí là âm, đồng nghĩa với việc giá trị của đồng USD bị giảm xuống và làm tăng giá trị của các đồng tiền khác. Nếu các đồng tiền khác tăng giá trị, giá cả hàng hóa của các nước đó xuất khẩu sang mỹ sẽ tăng lên, làm giảm lợi thế cạnh tranh gây thiệt hại cho xuất khẩu của họ. Để giảm thiệt hại, các nước này cũng buộc phải hạ lãi suất và tìm cách giảm giá trị đồng nội tệ, tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, chúng ta cũng sẽ khó cưỡng lại xu thế đó, Ngân hàng Nhà nước tuần trước cũng đã giảm lãi suất điều hành xuống 0.25%. Nhưng nếu cuộc chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục diễn ra và leo thang thành một cuộc chiến tranh tiền tệ thì có lẽ đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục bị mất giá. Trong trường hợp đó, Việt Nam không thể đứng yên, giữ giá trị của VND ở mức cao được, chúng ta cũng sẽ phải tìm cách giảm giá trị tiền VND tạo lợi thế cho xuất khẩu. Đây là bản chất thực của nền kinh tế toàn cầu, các nước không thể chỉ dựa vào nhu cầu nội địa để tiêu thụ sản phẩm mà phải dùng đến nhu cầu của các thị trường khác trên thế giới để tiêu thụ hàng hóa của mình. Tất cả các nước đều hành động như vậy, thì rõ ràng Việt Nam không thể hành động khác được. GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng thì GDP cũng sụt giảm. Nếu các nước khác giảm lãi suất, giảm gía trị đồng nội tệ gây ra cuộc chiến tranh tiền tệ quy mô toàn cầu, thì có lẽ Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chiến đó. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nếu Việt Nam phá giá đồng VND thì có thể bị Mỹ liệt vào nước “thao tùng tiền tệ” và sẽ gây ra nhiều khó khăn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trường hợp này rất khó xảy ra, bởi vì mức độ suất siêu của Việt Nam vào Mỹ so với các nước khác không thực sự cao. Thứ hai, thực lực nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác cũng không quá lớn, GDP của chúng ta còn nhỏ bé, sức tác động của Việt Nam vào nền kinh tế của Mỹ không đáng kể. Chính vì vậy, theo tôi Việt Nam sẽ không trở thành một đối trọng thách thức nước Mỹ, để có thể bị Mỹ đưa vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, mà chỉ mang tính chất cảnh cáo.

Đối với điều hành chính sách vĩ mô cũng như hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong thời gian tới, theo ông cần lưu ý gì thêm?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam cho đến hiện tại vẫn đang duy trì được sự ổn định kinh tế khả quan. Theo ước tính, chúng ta hoàn toàn có thể giảm giá tiền VND từ 2 đến 3%, nhưng thực tế chúng ta mới giảm chưa đến 1%. GDP quý 2 và trong nửa đầu năm 2019 cũng đạt được mức khá, do đó mục tiêu GDP 2019 từ 6.4% – 6.8% là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, từ đây cho đến cuối năm cũng như sang năm 2020, thế giới có thể sẽ đi vào vùng rủi ro rất lớn. Rủi ro đến từ cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ vẫn tiếp tục, hai nước tham chiến có thể gánh chịu hậu quả của chính mình, Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu chúng ta không xử lý được những rủi ro gặp phải thì chúng ta sẽ phải chịu những tổn thất lớn cho nền kinh tế.

Chiến tranh tiền tệ nếu xảy ra sẽ tác động thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông ?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Khi những nền kinh tế lớn của thế giới bị ảnh hưởng, trong đó có cả châu Âu, với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết với Việt Nam. Trong thương mại toàn cầu, FTAs có thể là con dao hai lưỡi. Một mặt nó mở rộng thị trường, tạo thuận lợi để chúng ta xuất khẩu vào những thị trường mới, mặt khác thì thị trường nội địa của chúng ta cũng bắt buộc phải mở cửa để hàng hóa của các nước khác thâm nhập. Khi đồng bản tệ của các nước khác giảm xuống, giá hàng hóa của họ cũng sẽ thấp đi khi xuất khẩu vào Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho họ và gây áp lực lên những doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, việc Mỹ không bán được hàng sang Trung Quốc, thì lại đẩy hàng sang các nước khác như Việt Nam. Có thể thấy trong thời gian gần đây, trái cây cũng như tôm hùm, thịt heo của Mỹ vào Việt Nam rất nhiều với giá rẻ, chất lượng cao, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong nước. Chính vì vậy, nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang, doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực hơn. 

Theo ông, liệu trong khó khăn doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm ra những cơ hội thuận lợi để tận dụng tạo ra lợi thế, thành công hay không?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngoài những khó khăn phải đối mặt, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tìm ra những cơ hội, thuận lợi để tận dụng phát triển trong thời điểm khó khăn này. Khi giá hàng hóa của các nước giảm đi, thì ngoài những mặt hàng tiêu dùng, thì hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại của họ cũng sẽ được giảm giá, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể tận dụng thời điểm này để nhập khẩu nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần thực sự tỉnh táo, không ham rẻ để mua những trang thiết bị lỗi thời, kém năng suất, tạo ra những tổn hại không bù đắp được về môi trường, thiên nhiên. Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều máy móc công nghệ của các nước được nhập vào Việt Nam là những công nghệ lỗi thời, đã hết khấu hao, sản xuất không hiệu quả, gây hủy hoại môi trường. Thế nên chúng ta có thể nhìn thấy nhiều thuận lợi cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, nhưng chúng ta cũng phải luôn cảnh giác. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, sau đó gia công sản xuất hoàn thiện sản phẩm tại Việt Nam cũng sẽ có được nhiều lợi thế khi nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài rẻ đi. Có thể lấy ví dụ, khi đồng Nhân dân tệ mất giá so với đồng USD thì sẽ mất giá so với đồng VND, có nghĩa là hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ trở nên rẻ đi. Đó là lợi thế cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Thưa ông, khi hàng giá rẻ từ Trung Quốc và nhiều quốc gia tràn vào, gây áp lực cạnh tranh rất lớn trong thị trường nội địa, những doanh nghiệp trong nước cần phải chuẩn bị và hành động như thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong hoàn cảnh bị cạnh tranh rất lớn như vậy thì rõ ràng doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình lên, nâng cao chất lượng để có thể cạnh trang với hàng của Trung Quốc, hàng của Mỹ, hàng của Canada… Nếu chất lượng sản phẩm và giá bán hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ngang bằng với sản phẩm của nước ngoài, thì tôi tin chắc rằng người tiêu dùng Việt Nam sẽ tin tưởng lựa chọn hàng trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam có một lợi thế lớn mà doanh nghiệp nước ngoài không thể có được, đó chính là sự am hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng nội địa.

Hơn nữa, các Hội, Hiệp hội có lẽ là gần gũi nhất so với những doanh nghiệp, gần hơn cả Chính phủ và các cơ quan chức năng. Vai trò của các Hội, Hiệp hội trong nước cần được thể hiện và nâng cao hơn, phải là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp, phải là cổng thông tin định hướng rõ ràng chính xác về thực trạng thị trường, đưa ra những dự báo, cảnh báo về thị trường để các thành viên sẵn sàng đối phó với tất cả nhưng tình huống có thể xảy ra. Trong dự báo kinh tế, Chính phủ cũng nên đưa ra nhiều dự đoán theo các hướng khác nhau, chứ không chỉ màu hồng thuận lợi, mà còn phải có những dự đoán về bức tranh kinh tế màu xám, thậm chí màu tối, để có thể chuẩn bị trước những phương án, cảnh báo cho các doanh nghiệp, cùng những thành phần kinh tế khác tránh khỏi những rủi ro cũng như tận dụng lợi thế thời cơ mang lại. Có lẽ đây thực sự là điều cần thiết trong thời gian khủng hoảng.

Đối với những thị trường xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU… các doanh nghiệp cần chuẩn bị và đối phó như thế nào trong thời gian tới, trong hoàn cảnh chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang ?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là trong tình trạng hiện nay, việc Thủ tướng Ấn Độ được ông Trump đón tiếp rất nồng hậu khi đến thăm, chứng tỏ Mỹ cũng đang tìm một thị trường thay thế hàng hóa nhập từ Trung Quốc, trong đó có hàng hóa tiêu dùng, hàng dệt may da giày. Việt Nam có thể sẽ may mắn là quốc gia được hưởng lợi từ hậu quả cuộc chiến, tuy nhiên một lần nữa tôi muốn nhắc lại, hàng hóa Việt Nam muốn cạnh tranh tận dụng được lợi thế phải tập trung vào chất lượng sản phẩm, bởi nếu các nước khác giảm giá trị đồng nội tệ của họ thì hàng hóa của Việt Nam bán vào Mỹ, châu Âu… sẽ trở nên đắt đỏ hơn, lợi thế cạnh tranh bị giảm xuống, lúc này vấn đề chất lượng càng phải được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải năng động hơn để tìm kiếm những thị trường mới ngoài những thị trường hiện có, không nên phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Cần nâng cao số lượng chất lượng sản phẩm xuất ra thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn vào nhiều thị trường nước ngoài nhưng không qua khỏi những cuộc kiểm tra kĩ thuật của họ, chẳng hạn như: vải, mãng cầu bán sang Úc bị trả lại, bởi vì họ sẵn sàng mở cửa nhưng sản phẩm của chúng ta lại không đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đối với những quốc gia đó. Thành ra các nhà xuất khẩu phải rất quan tâm đến khâu thẩm định, khâu kiểm tra chất lượng để bảo đảm hàng của mình có thể bán ra được nước ngoài, đồng thời cần phải phân bổ và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không nên phụ thuộc nhiều vào các nước lớn của thế giớii như Mỹ hay Trung Quốc.

Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!

Chiến tranh thông thường sử dụng đến súng đạn nhưng vũ khí được sử dụng trong chiến tranh thương mại là hàng rào thuế quan, bảo hộ. Mặt khác, chiến tranh thương mại thường dẫn đến các cuộc chiến tiền tệ là những cuộc chiến không công khai, không một quốc gia nào thừa nhận rằng họ đang trong một cuộc chiến tranh tiền tệ cả. Chúng nổi lên khi các nhà hoạch định chính sách quốc gia bị cáo buộc cố tình làm giảm tỷ giá hối đoái hoặc điều chỉnh chúng quá thấp nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Tiền tệ quốc gia yếu hơn có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của quốc gia đó có thể được bán rẻ hơn ở nước ngoài thu về ngoại tệ, cung cấp một điều kiện thuận lợi lớn cho nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, mọi thứ thực sự nóng lên khi các quốc gia phát hiện và trả đũa lẫn nhau.

Dương Ngọc Thái (thực hiện)