Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam từ thương mại điện tử

21:19 20/08/2023

Thương mại điện tử đang là trụ cột chính của kinh tế số và thể hiện qua doanh số bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, dự kiến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, sự chuyển dịch nền kinh tế số và xu hướng mua sắm thay đổi giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, góp phần đưa hàng Việt Nam vươn xa.

Nhận định từ các chuyên gia, nếu như trước kia muốn khởi nghiệp kinh doanh, điều đầu tiên nghĩ tới là địa điểm mở cửa hàng tại phố lớn hay đại lý tại khu đông dân cư, nhưng nay ngồi đâu cũng có thể bán hàng thông qua giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp có doanh số tăng lên đến 70-80% khi tham gia sàn thương mại xuyên biên giới. Điều này cho thấy việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nếu như năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, dự kiến năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD. Dù vậy, nhà sản xuất, phân phối hàng Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng, khai thác hết tiềm năng thương mại điện tử toàn cầu do những yếu tố như chi phí tham gia, ngôn ngữ, luật pháp, chế tài của nước nhập khẩu…

Do đó, cơ quan chức năng đã phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba tổ chức nhiều khóa tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam có thêm kiến thức xuất khẩu.

Thống kê cho thấy, năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam được tham gia các lớp đào tạo tập huấn diện với rất nhiều kiến thức nền tảng về thương mại điện tử và thương mại điện tử toàn cầu.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu và tiêu thụ hàng Việt qua thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao năng lực ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này nhằm tạo ra môi trường thương mại điện tử mạnh mẽ và linh hoạt, thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng Việt và mở rộng thị trường thông qua nền tảng thương mại điện tử.

Ngọc Phi (TH)