Thu ngân sách Nhà nước trong tháng 4 đạt hơn 139 nghìn tỷ đồng

23:10 10/05/2023

Tổng chi cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 4 tháng đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022.

Thống kê tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 4 từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ước đạt 139,1 nghìn tỷ đồng, bằng 8,6% dự toán, bằng 82,4% mức thu bình quân quý I (thấp hơn khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng). Lũy kế thu NSNN 4 tháng ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 113 nghìn tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán, bằng 79,6% mức thu bình quân quý I (giảm gần 29 nghìn tỷ đồng). Thu từ dầu thô ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng. Giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 86,4 USD/thùng, tăng 16,4 USD/thùng so với giá dự toán.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,15% dự toán. Tổng chi cân đối NSNN tháng 4 ước đạt 135,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 4 tháng đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách Nhà nước trong tháng 4 đạt hơn 139 nghìn tỷ đồng
Thu ngân sách Nhà nước trong tháng 4 đạt hơn 139 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 110,6 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 15,65% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tỷ lệ giải ngân đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng giao).

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/4/2023, đã thực hiện phát hành gần 129,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,51 năm, lãi suất bình quân 4%/năm.

Về công tác quản lý, điều hành thu NSNN, trong tháng 4, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 4 khoảng 56,32 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 18,32 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng).

Mặc dù số thu nội địa 4 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng số thu hàng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 16,1%; tháng 2 đạt 7,1%; tháng 3 đạt 8,6%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,5% dự toán). Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của ngân hàng nhà nước, số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nêu còn nhiều điểm bất cập trong điều hành chính sách
Chủ tịch Quốc hội nêu còn nhiều điểm bất cập trong điều hành chính sách.

Tại Phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với ngân sách, theo Chủ tịch Quốc hội, xây dựng dự toán quá thấp, vô hình trung tự mình bó hẹp không gian tài khoá. Phải phấn đấu tăng thu để tăng chi, nhưng xây dựng dự toán thấp thì chi cũng thấp, dẫn tới vượt thu cũng không có phương án để chi ngân sách.

“Dự toán ngân sách vượt 400.000 tỉ đồng, gần 20 tỉ USD. "Bệnh" này mấy năm rồi không khắc phục được, và có phần trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Vượt thì mừng, nhưng lo là quy trình ngân sách "có vấn đề". Các nước họ thảo luận ngân sách mất vài tháng, chứ không phải vài buổi rồi thông qua như chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

P.V (t/h)