Thi hành Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh từ ngày 15/12

16:06 14/12/2023

Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT sẽ đóng góp vào việc quản lý và theo dõi hiệu quả thực hiện các biện pháp hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại cấp quốc gia và địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2023. Thông tư này quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh, nhằm làm cơ sở giám sát và đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.

Chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh theo Thông tư bao gồm danh mục và nội dung chi tiết. Danh mục chỉ tiêu được quy định tại Phụ lục I của Thông tư, trong khi nội dung chi tiêu được mô tả tại Phụ lục II của Thông tư này. Các quy định này nhằm tạo ra một hệ thống chỉ tiêu rõ ràng và chính xác để đo lường và đánh giá mức độ thực hiện của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT sẽ đóng góp vào việc quản lý và theo dõi hiệu quả thực hiện các biện pháp hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại cấp quốc gia và địa phương.

Thi hành Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh từ ngày 15/12
Thi hành Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh từ ngày 15/12.

Danh mục chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh gồm các mục tiêu sau:

Mục tiêu 1: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP.

Các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm: Năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải.

Mục tiêu 2: Xanh hóa các ngành kinh tế.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng xanh so với tổng số xe buýt đang lưu hành tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I; Tỷ lệ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh so với tổng số các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành; Số lượng trạm sạc, số lượng cổng sạc xe điện…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp gồm các chỉ tiêu: Lượng phân bón hóa học bình quân sử dụng trên một hecta (1 ha) đất trồng trọt; Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững; Diện tích đất bị thoái hóa; Diện tích các loại cây trồng được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tương đương; Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch…

Lĩnh vực tài nguyên rừng gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ che phủ rừng; Tỷ lệ diện tích hệ sinh thái rừng tự nhiên suy thoái được phục hồi; Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mục tiêu 3: Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Lĩnh vực Môi trường, xã hội có các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Lĩnh vực Đô thị có các chỉ tiêu: Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị; Tỷ lệ đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh, bền vững so với tổng số các đô thị.

Mục tiêu 4: Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Mục tiêu này gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn; Tỷ lệ dân số sử dụng hố xí hợp vệ sinh; Tỷ lệ dân số sống trong các nhà tạm; Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế…

PV (t/h)