Thanh Hoá: Thực trạng và nhu cầu chuyển đối số của doanh nghiệp nhỏ và vừa

12:03 19/10/2023

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải thay đổi. Không phải cứ lớn mạnh sẽ sinh tồn. Chỉ mô hình nào có khả năng thích ứng thì mới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.

Tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 tại Thanh Hóa, sáng 19/10, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực miền Trung; Khai trương cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa và ra mắt app Thanh Hóa - S.

Trong nhiều nội dung của buổi hội thảo thì chủ đề  “Thực trạng và nhu cầu chuyển đối số của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hoá” được đông đảo các doanh nghiệp quan tâm.

Công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Với yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp để phục hồi và tăng tốc phát triển sau đại dịch, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, chủ động, tích cực tìm những hướng đi mới, tận dụng những ưu thế về công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn nữa bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được coi là chất xúc tác khiến làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong doanh nghiệp nói riêng và trong toàn xã hội nói chung.

Doanh nghiệp Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực Công nghiệp - xây dựng; Thương mại dịch vụ; Du lịch; vận tải; xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp…phân bổ ở khắp 27 huyện, thị xã và thành phố.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực nội dung, tài chính, thương mại điện tử du lịch. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bước đầu gặt hái được những thành công nhất định.

Đại bộ phận các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hoá đều cho biết: Hiện nay để làm ra được một sản phẩm họ bắt đầu từ những bộ phận rời rạc. Giờ áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất để trở thành một chuỗi liên kết, các bộ phận đều nắm được công việc của nhau tạo thành một hệ thống.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp cơ bản nằm ở 2 khâu quản lý và sản xuất. Quản lý là áp dụng phần mềm, sản xuất thì áp dụng máy móc thiết bị hiện đại. Chuyển đổi số là áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo
Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp nói chuyển đổi số nhưng nếu hỏi chuyển đổi số là gì thì họ không biết trả lời như thế nào hoặc trả lời một cách qua loa. Trong khi đó, chính doanh nghiệp của họ đang chuyển đổi số.

Điều quan trọng nhất của chuyển đổi số là giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tương tác nhanh chóng với khách hàng, sai sót giảm xuống. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực làm việc của nhân viên, giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên.

“Điểm nghẽn” trong chuyển đổi số

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp những khó khăn chủ quan và khách quan. Chuyển đổi số vẫn là một hành trình dài hơi bởi rất nhiều doanh nghiệp đang còn đứng ngoài cuộc. Qua khảo sát, hiện nay nhu cầu chuyển đổi số trong doanh nghiệp rất lớn. Thanh Hóa hiện có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, có tới khoảng 60% doanh nghiệp đang vướng những rào cản về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Thậm chí có những doanh nghiệp chuyển đổi số còn quá mới mẻ và mơ hồ. Có những doanh nghiệp chuyển đổi số theo phong trào nên chưa đạt hiệu quả. Hiện tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có một con số thống kê nào về số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số, chưa có một đánh giá nào về thực trạng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Để công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá đề nghị Ban chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá xem xét thành lập Quỹ chuyển đổi số cho doanh nghiệp để thực hiện công tác: huấn luyện, đào tạo, tập huấn, thay đổi tư duy, chuyển giao... Hằng năm Ban chuyển đổi số tỉnh nên xem xét, nghiên cứu xây dựng điển hình trong chuyển đổi số để biểu dương, khen thưởng tạo động lực và khí thế thi đua sôi nổi cũng như tăng uy tín doanh nghiệp trên thị trường và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Về mặt chủ quan, các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, để DN phát triển nhanh và bền vững. Mấu chốt quan trọng vẫn là sự thay đổi nhận thức của các chủ DN.

Thanh Hoá chú trọng chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phát biểu
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phát biểu.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số bền vững.

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh, doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 (năm 2030 là 150) doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 (năm 2030 là 15) doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm.

Biên bản ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá với doanh nghiệp hỗ trợ chuyển đổi số
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và Công ty cổ phần One Office ký kết hợp tác về hỗ trợ các nền tảng quản trị doanh nghiệp.

Tại Thanh Hóa, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được UBND tỉnh đặc biệt chú trọng, sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, có nhiệm vụ và giải pháp về “thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp”.

Nghị quyết số 214, ngày 13/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2026 có 3 chính sách hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp chuyển đổi số là: Hỗ trợ kinh phí sử dụng chữ ký số cho các doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Riêng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa dành nguồn kinh phí gần 2,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí tư vấn chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.

Minh Hiền