Tham vọng về một "siêu ứng dụng" của tỷ phú Elon Musk gặp khó ở Mỹ

11:55 30/07/2023

Ý tưởng về một siêu ứng dụng rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thêm nhiều cách để kiếm tiền và tăng số lượng người dùng, nhưng thực hiện nó không là một điều dễ dàng.

gia nhập lĩnh vực dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc công ty của tỉ phú Elon Musk phải tuân thủ thêm các quy định pháp lý
Việc tích hợp dịch vụ tài chính vào một siêu ứng dụng đồng nghĩa với việc công ty của tỉ phú Elon Musk phải tuân thủ thêm các quy định pháp lý.

Elon Musk đã dành những lời “có cánh” về việc đổi tên mạng xã hội Twitter sang “X” và biến nó thành một “ứng dụng mọi thứ” có khả năng xử lý các hoạt động tài chính cho người dùng, và sắp tới ông đã đặt ra một thời hạn chót đầy tham vọng cho kế hoạch đó.

“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ thêm vào tính năng liên lạc toàn diện và khả năng điều hành toàn bộ thế giới tài chính của các bạn”, Musk viết trên Twitter trong mới đây, trước khi đổi tên nó thành X.

Mặc dù ý tưởng về một siêu ứng dụng rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thêm nhiều cách để kiếm tiền và tăng số lượng người dùng, nhưng thực hiện nó không là một điều dễ dàng – kể cả trong khoảng thời gian dài cả năm. 

Hiện chưa một ứng dụng nào ở Mỹ được coi là ‘super app’ thành công, dù cho chúng được nhắc tới rất nhiều.

Tại Trung Quốc, trải nghiệm đầu tiên của hầu hết người dùng đối với Internet là trên thiết bị di động. Theo Feifei Liu, nhà nghiên cứu thuộc công ty tư vấn trải nghiệm người dùng Nielsen Norman Group, người dùng khi đó không hề kỳ vọng về một siêu ứng dụng, song sự bùng nổ của WeChat cũng như những chiếc điện thoại thông minh tại đại lục đã làm nên kỳ tích.

‘Tượng đài’ thành công duy nhất này chính là sự giao thoa giữa ứng dụng nhắn tin và phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm gọi xe, thanh toán di động đến các dịch vụ chính phủ. Tính đến tháng 7/2022, WeChat sở hữu gần 1,3 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc.

Theo WSJ, định nghĩa “siêu ứng dụng” còn khá mờ nhạt. Cụm từ được các công ty và nhiều nhà lãnh đạo sử dụng để mô tả trạng thái nhồi nhét thật nhiều các tính năng trong cùng một ứng dụng, qua đó khiến chúng trở nên khác biệt hẳn so với chức năng cốt lõi. Đây cũng chính là cách để các ông lớn giành được lợi thế trong cuộc đua thu hút người dùng, với mong muốn chiếm được nhiều thời gian, sự chú ý và tiền bạc nhất có thể.

Ví dụ, một siêu ứng dụng công nghệ tài chính có thể bắt đầu bằng các khoản thanh toán hoặc mua ngay trả sau… Đối với các phương tiện truyền thông xã hội, đây có thể là nơi tích hợp nhiều tính năng mua sắm, còn trong lĩnh vực giao hàng và gọi xe, siêu ứng dụng lại ám chỉ các phương thức vận tải và hàng hóa mới.

“WeChat xuất hiện ở một quốc gia mong muốn số hóa thông qua chiếc điện thoại thông minh. Điều đó có nghĩa là không có bất kỳ sự cạnh tranh nào từ các trang web truyền thống hay ngân hàng như thẻ tín dụng hoặc mạng xã hội thay thế”, nhà phân tích Ben Thompson nói.