Cuộc chiến "mua ngay, trả sau" của các siêu ứng dụng

15:27 07/10/2022

Dịch vụ “mua ngay, trả sau” (buy now, pay later) đã tăng nhanh ở Đông Nam Á. Theo nhà phân tích Dewi Rengganis đến từ hãng Frost & Sullivan, nhiều công ty thanh toán di động tại châu Á - Thái Bình Dương muốn sử dụng nền tảng của mình để cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số toàn diện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, các ông lớn công nghệ khu vực như Grab, Gojek và Shopee cạnh tranh với nhau để kiểm soát “ví tiền” của người dùng khi chi tiêu trực tuyến tăng vọt nhờ thu nhập và khả năng tiếp cận Internet di động tăng. Năm nay, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử Đông Nam Á ước đạt 80 tỷ USD.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại đây tạo ra làn sóng đầu tư mạo hiểm vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, ngay cả trước khi dịch Covid-19 định hình lại cách mua sắm của cả thế giới. Dịch bệnh chỉ giúp tăng tốc lĩnh vực mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt vốn đã phát triển nhanh chóng.

Theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ “mua trước, trả sau” sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Tại Indonesia, cho vay trực tuyến (bao gồm “mua trước, trả sau” và cho vay cá nhân) tăng trưởng 20% trong năm 2020, với lượng tiền xuất ra hơn 5 tỷ USD. Nửa đầu năm 2021, con số này đã vượt 5,6 tỷ USD.

Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều start-up đã nhanh chóng khai phá thị trường này. Có thể kể đến Akulaku (Indonesia), từng nhận 40 triệu USD vốn đầu tư của Ant Group, hay Hoolah - nền tảng từng nhận vốn đầu tư 8 con số ngay tại vòng Serie A, dẫn dắt bởi Allectus Capital và Kredivo của Indonesia. Công ty mẹ FinAccel của Kredivo cũng vừa công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty rỗng (SPAC) trong một thỏa thuận định giá tập đoàn ở mức 2,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong số này có Kredivo vừa công bố sẽ “vươn vòi” hoạt động sang Việt Nam thông qua thương vụ bắt tay với Công ty Tài chính VietCredit. Công ty con mới thành lập có tên Kredivo Vietnam Joint Stock Company.

Việt Nam là thị trường đầu tiên Kredivo chọn sau khi mở rộng ra ngoài Indonesia. Thời gian đầu, Kredivo sẽ chỉ triển khai các tính năng thanh toán hóa đơn và khoản vay cá nhân tại Việt Nam trước khi dự kiến ra mắt dịch vụ mua ngay, trả sau cho thanh toán thương mại điện tử vào quý cuối năm 2021. Sau Việt Nam, Kredivo đang có kế hoạch vào thị trường Thái Lan.

Trong khi đó, Fundiin - start-up đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực mua ngay, trả sau (theo mô hình miễn phí và lãi cho người dùng) cũng vừa khép lại một vòng hạt giống với sự tham gia của Genesia Ventures, JAFCO Asia, Trihill Capital, Xffirmers, với số vốn huy động được là 1,8 triệu USD.

Hồi tháng 4 năm nay, Fundiin huy động được một khoản tiền tính theo USD lên tới 7 con số trong vòng gọi vốn do 1982 Ventures và Zone Startups Ventures dẫn dắt. Các nhà đầu tư đã chứng kiến start-up này điều chỉnh mô hình nhanh chóng để thích ứng với tình hình thị trường và đạt tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020.

Số vốn lần này sẽ giúp Fundiin đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng trước vòng Series A sắp tới. Hiện Fundiin đã làm việc với hơn 100 đối tác bán lẻ với hơn 400 cửa hàng, bao gồm một số nhà bán lẻ lớn.

Một số công ty nhỏ như Atome, Hoolah, Oriente cũng hoạt động khắp các ngõ ngách ở Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho khách hàng, nhà bán lẻ và dịch vụ giao đồ ăn.

Grab đã ra mắt dịch vụ PayLater vào năm 2019.
Grab đã ra mắt dịch vụ PayLater vào năm 2019.

Vì sao các gã khổng lồ công nghệ tìm đến mỏ vàng dịch vụ “mua ngay, trả sau”

Theo Rest of World, có hai lý do chính khiến các hãng công nghệ tập trung vào “mua trước, trả sau”. Thứ nhất, dữ liệu mà họ có được về tình hình tài chính của khách hàng so với ngân hàng truyền thống sâu hơn và nhiều thông tin hơn. Ngân hàng thường chỉ xem xét các khoản mua sắm và thu nhập lớn, trong khi công ty dịch vụ tài chính và thanh toán di động lại nhặt nhạnh dữ liệu nhỏ lẻ, giúp họ xây dựng bức tranh chi tiết về tín dụng của khách hàng.

Đó là mô hình mà Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent tiên phong. Theo nhà phân tích Rengganis, Alipay có hàng trăm điểm dữ liệu để nghiên cứu hành vi và chi tiêu của người dùng. Họ cũng có nền tảng thanh toán riêng, từ đó sở hữu vô số nguồn thông tin về một người.

Thứ hai, sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ giúp các nền tảng tiếp cận nền tảng khách hàng khổng lồ cho các dịch vụ mà ngân hàng truyền thống khó với tới. Với nhiều người dùng Đông Nam Á, “mua trước, trả sau” có thể là lần đầu tiên họ sử dụng dịch vụ tài chính kỹ thuật số và tín dụng để mua sắm thứ gì đó.

Báo cáo năm 2019 của KPMG ước tính 73% người dân Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng tại các tổ chức tài chính chính thống, ít nhất 18% chưa được tiếp cận thẻ tín dụng.

Những nền tảng thanh toán xuất phát từ các dịch vụ khác, chẳng hạn Gojek và Grab, đều thu hút được sự quan tâm lớn. GoPay là phương thức thanh toán chính của hơn 2 triệu tài xế và 900.000 người bán hàng trên Gojek. Với lượng lớn người dùng sử dụng dịch vụ để trả tiền taxi, vận chuyển, nền tảng có lợi thế khi đã được khách hàng quen thuộc.

Theo ông Budi Gandasoebrata, Giám đốc quản lý GoPay, một trong các lợi thế khác biệt của GoPay là nằm trong hệ sinh thái Gojek. Quy trình sử dụng GoPay cũng hoàn toàn liền mạch. Khách hàng không cần đăng ký dịch vụ mà nó tự động hiển thị ở quá trình thanh toán.

Các công ty làm thế nào để đảm bảo khoản vay được hoàn trả? 

Cổ phiếu của Grab, GoTo và Sea, có tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD, đã giảm mạnh trong năm nay. Grab và Sea giảm khoảng 2/3 kể từ đầu năm. GoTo, được niêm yết vào tháng 4, đã giảm 28% kể từ khi IPO.

Cả ba công ty có giá cổ phiếu sụt giảm đang hy vọng việc bổ sung dịch vụ mua ngay, trả sau sẽ tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh hơn trên nền tảng của họ. Nhưng việc kinh doanh dịch vụ “buy now pay later” có nghĩa là các công ty công nghệ lớn này phải trả lời một câu hỏi mà những người cho vay truyền thống đã phải đối mặt trong nhiều thế kỷ. Đó là làm thế nào đảm bảo các khoản vay sẽ được hoàn trả?

Thông thường, các ngân hàng sử dụng kết hợp các phương pháp, như tính điểm tín dụng, xem xét thu nhập của người đi vay và lịch sử thanh toán để giảm nguy cơ vỡ nợ. Grab, Sea và GoTo, những công ty đang cung cấp các khoản vay nhỏ, ngắn hạn không có thế chấp, cho đến nay vẫn đang tránh việc kiểm tra tín dụng rườm rà như vậy.

Yvonne Szeto, Phó Chủ tịch phụ trách các chiến lược thương mại và bán hàng tại Công ty xử lý thanh toán Worldpay cho biết: “Trong trường hợp không có những thông tin tài chính của người đi vay, nhà cung cấp dịch vụ mua ngay, trả tiền sau phải ra quyết định dựa trên số lượng dữ liệu ít ỏi hoặc thậm chí không đáng tin cậy”.

Các công ty cho biết, họ đang quản lý rủi ro bằng cách phát triển các mô hình độc quyền để sàng lọc đơn xin vay - chẳng hạn như xem xét hành vi và dữ liệu trước đó của người dùng trên nền tảng của họ.

Hans Patuwo, người đứng đầu bộ phận thanh toán và dịch vụ tài chính của GoTo Financial cho biết: “Không ai là không có dữ liệu - ngay từ ngày đầu tiên người dùng sử dụng nền tảng, chúng tôi đã có một loạt dữ liệu về họ”. GoTo được hình thành từ sự hợp nhất giữa nền tảng gọi xe Gojek và Tokopedia, một công ty thương mại điện tử, hồi năm ngoái.

Các công ty này cũng đã áp dụng các biện pháp mà trong một số trường hợp có vẻ khắt khe hơn so với các yêu cầu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Chẳng hạn Grab, công ty vận hành một siêu ứng dụng cung cấp một loạt các dịch vụ, cho biết, sẽ tạm ngưng tài khoản nếu người dùng không thanh toán cho một hóa đơn quá hạn sau khi được thông báo. Người dùng sẽ phải thanh toán một khoản phí quản trị nếu muốn kích hoạt lại tài khoản.

Giám đốc điều hành Anthony Tan cho biết trong một cuộc gọi hội nghị, tỷ lệ nợ xấu của Grab vẫn ổn định “ở mức một con số thấp” trong quý thứ hai, tuy nhiên không nói rõ con số chính xác.

Một số khách hàng cho rằng, những yêu cầu khắt khe đó sẽ đem lại lợi ích cho nền tài chính vững mạnh. Theo Napitupulu, một người Jakarta, sử dụng các dịch vụ như GoPayLater của GoTo, để giao nhận thực phẩm và mua sắm trực tuyến. Anh ta có thể vay số tiền tương đương khoảng 65 USD mỗi tháng - hạn mức tín dụng đã tăng lên kể từ khi Napitupulu bắt đầu sử dụng GoPayLater ba năm trước. Nền tảng sẽ không cho phép anh thực hiện các giao dịch khi chi tiêu đạt đến giới hạn đó. Điều đó bảo vệ Napitupulu khỏi nguy cơ bội chi.

Các công ty cho biết, việc giới hạn dịch vụ mua ngay trả sau cho những người dùng thường xuyên là một cách để giảm rủi ro. Grab, công ty đã ra mắt dịch vụ PayLater vào năm 2019, chỉ cung cấp dịch vụ này cho những người dùng đã sử dụng ứng dụng ít nhất sáu tháng. Họ được đánh giá một phần dựa trên các hành vi gọi xe và xếp hạng trong chương trình khách hàng thân thiết của công ty. Dịch vụ GoPayLater Cicil của GoTo, tính một khoản phí nhỏ hàng tháng, có nhiều khả năng được cung cấp cho những người đã sử dụng dịch vụ thanh toán kỹ thuật số GoPay của công ty.

Đối với một số hãng công nghệ lớn nhất Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, “mua trước, trả sau” là cánh cổng dẫn đến tín dụng cho những người khó tiếp cận, củng cố vị trí của họ trong “ví tiền” của người dùng. Chuyên gia phân tích Rengganis cho rằng, chính phủ các nước cần phát triển khung chính sách để quản lý những dịch vụ tài chính mới nổi này do nhiều nền tảng sẽ sớm trở thành ngân hàng kỹ thuật số.

T.H