Tập trung nguồn lực cao nhất để hoàn thành đề án chính sách quan trọng

19:29 07/01/2022

Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, chương trình công tác năm 2022 được Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN) tổ chức sáng nay, 7/1. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ảnh minh họa
Quang cảnh hội nghị. 

 97 doanh nghiệp được nhà nước đầu tư bổ sung vốn

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục TCDN cho biết, trong năm 2021, Cục TCDN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với Bộ các biện pháp chỉ đạo, điều hành tài chính ngân sách, chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đẩy nhanh triển khai các giải pháp tài chính phục vụ quá trình tái cơ cấu DNNN, góp phần tích cực trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội.

Về khối lượng công việc, năm qua, Cục TCDN tiếp nhận và xử lý trên 13.400 văn bản gửi đến; trình Bộ xem xét, phê duyệt trên 1.180 văn bản thường; trực tiếp xử lý, ban hành trên 2.500 công văn về các Đề án, cơ chế, chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp, đôn đốc, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, xếp loại DNNN, quy định về cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN....

Trong công tác nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, Cục TCDN được giao 11 đề án, trong đó: đã hoàn thành 4 đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 1 đề án đang tiếp tục triển khai, thực hiện. Về đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính có 6/6 đề án đã hoàn thành. Bên cạnh đó, theo kế hoạch được giao bổ sung tại Quyết định số 2221/QĐ-BTC ngày 30/11/2021 của Bộ Tài chính có 2/2 đề án đã hoàn thành.

Đặc biệt, đối với các nội dung liên quan đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Cục trưởng Cục TCDN được lãnh đạo Bộ giao tham gia Nhóm giúp việc cho Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Tổ công tác đã tổng hợp ý kiến các đơn vị trong Bộ, báo cáo Bộ ban hành công văn trả lời kiến nghị của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về các kiến nghị của doanh nghiệp.

Về giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Cục đã trình Bộ ký ban hành 8 văn bản liên quan đến giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2020.

Trong năm 2020, có 97 doanh nghiệp được nhà nước đầu tư bổ sung vốn. Tổng số vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tăng 15.758 tỷ đồng.

Về việc phối hợp giám sát tài chính, xếp loại đối với các doanh nghiệp, đơn vị đã báo cáo Bộ ý kiến tham gia với cơ quan đại diện chủ sở hữu về lập kế hoạch giám sát tài chính và phối hợp thực hiện kế hoạch giám sát tài chính trong năm. Năm 2021 Cục TCDN đã báo cáo Bộ ban hành trên 68 văn bản tham gia ý kiến với các cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc xếp loại doanh nghiệp nhà nước.

Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, báo cáo của Cục TCDN cho biết, trong năm 2021 chỉ có 3 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Công tác cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Về hoạt động thoái vốn, đến hết tháng 11/2021, đã thoái thành công tại các doanh nghiệp 1.652 tỷ đồng với giá trị thu về gấp 2,64 lần (là 4.356 tỷ đồng).

Đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, đề xuất sửa đổi Luật số 69

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi biểu dương và đánh giá cao các kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Cục TCDN trong năm 2021. 

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Về phương hướng nhiệm vụ của Cục trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Cục TCDN cần tập trung nguồn lực cao nhất để xây dựng, hoàn thành các chính sách, đề án quan trọng của đơn vị trong năm tới.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình làm việc của Quốc hội giai đoạn 2022 - 2025.

Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là bộ Luật rất quan trọng sẽ định hình hoạt động của Cục trong tương lai và vai trò của Bộ Tài chính trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Với cách nhìn, tiếp cận mới, việc xây dựng Luật nhằm giúp các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ chế quản lý công khai minh bạch trong quản lý vốn nhà nước...

Thứ trưởng lưu ý, Cục cần làm rõ quy chuẩn, quy trình như việc đánh giá, xếp loại DNNN, đánh giá tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Quy trình cần đảm bảo công khai, minh bạch, chiếu đúng tiêu chuẩn để xếp loại, đánh giá doanh nghiệp…

Đối với việc đưa hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào vận hành chính thức từ năm 2022, Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là công việc quan trọng, cần đẩy mạnh tiến độ và lưu ý trong quá trình xây dựng hệ thống, Cục cần nghiên cứu, thống nhất, xác định rõ hệ thống có thể kết nối với doanh nghiệp và nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Tài chính như thế nào, từ hệ thống đó chiết xuất được những thông tin gì, xã hội có được tham gia vào hệ thống không, như vậy kho dữ liệu mới phát huy hết lợi ích.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục TCDN cho biết, đơn vị sẽ hoàn thiện lại chương trình công tác năm 2022, nêu cao tinh thần chủ động đổi mới, sáng tạo, thay đổi quy trình, nhận thức của cán bộ, công chức nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo TCHQ