Tập đoàn TKV với công nghiệp 4.0

00:00 12/10/2020

Thực hiện cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá trong sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu mà TKV đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, Công ty CP Vận tải và đưa đón thợ mỏ quản lý các xe ca đưa đón thợ mỏ, xe tải chở than, đất đá phục vụ các đơn vị sản xuất, chế biến than. Do đó, công ty đã lắp đặt hệ thống GPS tích hợp trong tất cả các xe giúp cho cán bộ điều hành thường xuyên theo dõi hàng trăm thiết bị của mình đang hoạt động ở đâu trên bản đồ với đầy đủ các thông số kỹ thuật như tốc độ, hoạt động của các máy, trích ngang về tên tuổi trình độ của người vận hành… Qua hệ thống này, cán bộ điều hành có thể điều phối các xe một cách hợp lý, hiệu quả, an toàn. Nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ số để tự động hoá các dây chuyền sản xuất, tăng tỷ lệ thu hồi, giảm thiểu nhân lực như: Dây chuyền vận chuyển băng tải than của Công ty than Mạo Khê; dây chuyền vận chuyển và sàng tuyển Công ty Tuyển than Cửa Ông. Bên cạnh đó, đột phá quan trọng nhất của Tập đoàn là các đơn vị hầm lò đã thực hiện chống vì thủy lực thay chống gỗ trong hầm lò, góp phần giảm tổn thất, tăng sản lượng lò chợ từ 50.000-60.000 tấn/năm lên 150.000-200.000 tấn/năm. Các đơn vị đã chủ động áp dụng hệ thống kiểm soát khí mỏ tự động, kiểm soát người ra vào lò, song loan vận chuyển… Việc áp dụng thành công công nghệ lò này đã góp phần quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, nâng cao sản lượng, mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động... Để thực hiện hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, TKV xác định con người vẫn là yếu tố cốt lõi. Thời gian qua, TKV không ngừng chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động. Trong đó, các đơn vị của TKV đã duy trì việc cử cán bộ tuyển sinh trực tiếp đến các tỉnh miền núi lân cận để tuyển dụng thợ lò. Đồng thời phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam các vùng sâu, vùng xa, hải đảo trong và ngoài tỉnh để vận động, tuyên truyền, tuyển lao động. Đặc biệt, sau khi được đào tạo tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, TKV sẽ tạo điều kiện cho sinh viên thực tập sản xuất trực tiếp tại các đơn vị khai thác hầm lò trong thời gian 6 tháng. Các sinh viên được bố trí chỗ ở đầy đủ tiện nghi; hưởng chế độ ăn định lượng, ăn ca, bồi dưỡng độc hại; trả lương theo đơn giá sản phẩm làm ra. Bên cạnh việc đào tạo tại chỗ, tạo điều kiện cho thợ lò tham gia thi thợ giỏi, mới đây, TKV đã ký kết hợp tác đào tạo nâng cao năng lực sản xuất và kỹ thuật an toàn với Tập đoàn JOGMEC Nhật Bản, nhằm nâng cao trình độ công nghệ khai thác, kỹ thuật an toàn, cơ giới hóa cho Công ty than Hạ Long và Công ty CP than Hà Lầm theo xu hướng khai thác hầm lò sâu hơn. Ngoài ra, TKV cũng ký thoả thuận với Kushiro đào tạo lý thuyết, tổ chức hội thảo và hướng dẫn kỹ thuật cho các cán bộ, kỹ sư của Trung tâm Cấp cứu mỏ, các mỏ than và các trường dạy nghề thuộc TKV về những nội dung như: Kỹ thuật đảm bảo an toàn; kỹ thuật quản lý khí mỏ; kỹ thuật khoan neo; kỹ thuật đội cứu hộ; kỹ thuật khai thác than vỉa dài; kỹ thuật giám sát tập trung; kỹ thuật duy trì đường lò… Cùng với đó, TKV đã có nhiều cơ chế khuyến khích phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động trở nên sâu rộng trong các đơn vị. Theo đó, Tập đoàn áp dụng hình thức cho vay hỗ trợ lãi suất để nghiên cứu, áp dụng, triển khai công nghệ mới. Toàn bộ hiệu quả kinh tế do áp dụng công nghệ có được, Tập đoàn cho phép giữ 100% chi phí tiết kiệm cho các đơn vị trong 2 năm đầu kể từ khi áp dụng. Ngoài ra, Tập đoàn khuyến khích các công ty chủ động tìm kiếm, liên kết với các đối tác nước ngoài trong việc áp dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, đào lò tiên tiến, hiệu quả và nhiều biện pháp hỗ trợ cần thiết khác…    Theo Báo Quảng Ninh