Tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam có thể đạt 2,48%; CPI tăng 3,85%

09:06 17/12/2020

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (NCIF) ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam đạt 2,48%; CPI tăng 3,85.

Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam đạt 2,48%

Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam đạt 2,48%.

Nhiều cơ hội, lắm khó khăn

Để đạt được tốc đột tăng trưởng GDP kể trên, NCIF tính toán, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải tăng 2,19%; công nghiệp và xây dựng tăng 3,12%; dịch vụ tăng 2,01%; vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32,15% GDP và kim ngạch xuất khẩu đạt 269,11 tỷ USD; xuất siêu 17,38 tỷ USD.

Như vậy, so với kết quả đạt được của năm 2019, theo tính toán của NCIF thì năm 2020, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao hơn (2,19% so với 2,01%); kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được đà tăng trưởng với giá trị tăng thêm 5,53 tỷ USD và nhờ kim ngạch nhập khẩu giảm khoảng 1,06% nên cán cân thương mại đạt mức thặng dư kỷ lục, tăng 8,22 tỷ USD so với năm 2019.

Kịch bản tăng trưởng 2020
Kịch bản tăng trưởng 2020.

Theo nhận định của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH-ĐT, những tháng cuối năm 2020 có một số yếu tố thuận lợi có thể hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP như sự quyết tâm của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực gia tăng cơ hội cho xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới.

“Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu cao hơn trong xuất khẩu của Việt Nam sang EU cho một số mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử - những mặt hàng chiếm hơn 30% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam”, NCIF nhận định.

Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản có nhiều cơ hội đột phá hậu COVID-19 do nhu cầu thị trường được dự báo tăng cao trong những tháng cuối năm.

Cùng với đó, cơ hội gia tăng FDI trước xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và đa dạng thị trường đầu tư toàn cầu, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, dưới tác động của đại dịch COVID-19 và sự tiếp diễn của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; xu hướng xuất siêu nhiều khả năng vẫn được duy trì.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, EVFTA được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. “Nhờ đó, sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước”, bà Hương cho biết.

NCIF đánh giá, trong khi các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn như Hoa Kỳ, EU, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước ASEAN đang phải “vật lộn” với Covid-19 thì kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ. Nhờ vậy, trao đổi thương mại Việt - Trung tiếp tục duy trì ổn định (11 tháng đầu năm xuất khẩu sang Trung Quốc 43,1 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu 73,9 tỷ USD, tăng 7,9%) do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt ở cả 2 quốc gia. Trong trường hợp Hàn Quốc, Nhật Bản kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 để hoạt động xuất - nhập khẩu giữa nước ta và 2 đối tác hàng đầu này bình thường trở lại thì tăng trưởng sẽ còn mạnh mẽ hơn- NCIF nhận định.

Tuy nhiên, NCIF cho rằng còn nhiều yếu tố có khả năng tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước những tháng cuối năm. Đó là giải ngân vốn đầu tư công nhiều khả năng vẫn tiếp tục gặp khó khăn, trong khi dòng FDI và đầu tư khu vực tư nhân suy giảm.

“Giải ngân đầu tư công mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều yếu tố cản trở tiến độ giải ngân vốn. Về nguồn vốn FDI, COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng tại hầu hết các đối tác đầu tư chính của Việt Nam, theo đó FDI vào Việt Nam chưa thể phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm”, NCIP nhận định.

Trung tâm này cũng nhìn nhận Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, song cũng chịu sự cạnh tranh từ một số thị trường như Ấn Độ và Indonesia.

Về đầu tư khu vực tư nhân, do tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dẫn đến khả năng các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn đầu tư lớn là không nhiều.

Hơn nữa, thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu khởi sắc; tâm lý tiêu dùng trong nước chưa ổn định. Các thị trường đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ (25,7%); EU (16,8%), Trung Quốc (16%), ASEAN (8,9%), Hàn Quốc (7,6%), Nhật Bản (7,4%) đều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh.

GDP có khả năng tăng cao nhưng chưa hoàn toàn chắc chắn

Nếu dự báo của NCIF chính xác thì năm nay, Việt Nam trở thành “ngôi sang sáng” trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đều suy giảm kinh tế. Theo Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020 vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, thay vì điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực hơn so với dự báo hồi tháng 9/2020, ADB hạ dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN từ mức âm 3,8% xuống âm 4,4%. “Tăng trưởng kinh tế ở khu vực ASEAN vẫn chịu áp lực khi những đợt bùng phát Covid-19 và các biện pháp ngăn chặn vẫn tiếp tục, nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines”, báo cáo của ADB bình luận.

Nằm trong khu vực ASEAN, nhưng Việt Nam là ngoại lệ khi ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 là 2,3% (trong khi 9 tháng đầu năm mới tăng 2,12%) thay vì chỉ tăng 1,8% như dự báo được đưa ra hồi tháng 9/2020.

Lý do nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay, theo ADB: “Do đẩy mạnh đầu tư công (tuy không đạt kế hoạch nhưng cao hơn năm 2019 rất nhiều), tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng, và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng”.

Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam, PGS.TS Phạm Thế Anh (chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR) dự báo, năm 2020, GDP của nước ta tăng 2,6 - 2,8%. “Mức dự báo này thấp hơn so với dự báo trước đây do nguy cơ dịch bệnh quay trở lại luôn rình rập và hậu quả của bão lũ ở miền Trung trong tháng 10 vừa qua làm gián đoạn quá trình phục hồi của ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, ăn uống và hàng không nội địa”, ông Thế Anh cho biết.

Mặc dù dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 của VEPR (tăng 2,6 đến 2,8%) khả quan hơn so với NCIF (2,48%), nhưng VEPR cũng không chắc chắn trước thực tế bệnh dịch ở các trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng của thế giới tái bùng phát mạnh mẽ, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới buộc phải tái phong tỏa xã hội. Vì vậy, VEPR đưa ra kịch bản thứ hai là GDP năm 2020 chỉ tăng 1,8 - 2,0%.

“Khi các đối tác kinh tế, thương mại, du lịch của Việt Nam tái áp đặt lệnh phong tỏa xã hội thì dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực phục hồi do thiếu khách du lịch nước ngoài trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân”, ông Thế Anh nói thêm.

Bảo Bảo