Giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

15:35 16/12/2020

Đó cũng chính là những ý kiến của các chuyên gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được đánh giá là vẫn diễn biến khó lường, các rủi ro về căng thẳng thương mại, địa chính trị phức tạp cũng sẽ tiếp tục tác động đến thị trường trong nước.

Tăng trưởng năm 2021 nhiều khả năng vượt mức mục tiêu

Thời gian qua nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh nên kinh tế Việt Nam có được cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác.

Thêm vào đó, cùng với việc vắc-xin chống Covid-19 bắt đầu được sử dụng tại một số nước và sẽ sớm có khả năng cung cấp trên diện rộng từ nhiều hãng, nhiều chuyên gia, tổ chức kỳ vọng đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, mở đường cho thương mại toàn cầu phục hồi. Kỳ vọng trên cùng với những thách thức nội tại được giải quyết, một số tổ chức dự báo Việt Nam tiếp tục phục hồi trong tháng cuối của năm 2020 và thậm chí có thể tăng trưởng cao trong năm 2021.

Cần tiếp tục nhất quán thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế
Cần tiếp tục nhất quán thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế.

Mới đây Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 2,4%. Thậm chí, sau khi kết thúc đợt tham vấn trực tuyến từ 15-10 đến 13-11 với Việt Nam, bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Điều IV Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của IMF còn lạc quan, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với GDP đạt 6,5%, lạm phát ở mức 4%.

Trong phụ bản thường kỳ của báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 1,8% (trong dự báo đưa ra vào tháng 9) lên 2,3%. 

Theo đó, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh từ 0,4% trong quý 2 lên 2,6% trong quý 3, nâng mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 9 lên 2,1%. Dự báo tăng trưởng cho năm 2020 được điều chỉnh tăng từ 1,8% lên 2,3% do đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng, và kinh tế phục hồi nhanh chóng. Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho năm 2021 vào khoảng 6,1%.

Việc đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng, kinh tế phục hồi nhanh chóng ở Trung Quốc - thị trường thương mại lớn của Việt Nam… là những cơ sở chính để ADB điều chỉnh tăng dự báo này.

Trước đó, nhiều định chế tài chính - ngân hàng lớn cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Như Tập đoàn HSBC dự báo tăng trưởng 2021 có thể đạt 8,1%; hay Standard Chartered nhận định kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021.

Dù không lạc quan như các tổ chức nước ngoài trên, nhưng nhiều tổ chức và chuyên gia trong nước cũng nhận định, tăng trưởng năm 2021 nhiều khả năng sẽ vượt mức mục tiêu 6% mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm tới. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ trong khoảng 6,5-7% năm 2021”, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết. Cơ sở của phục hồi mạnh trong năm 2021, theo chuyên gia này là do các động lực tăng trưởng chính (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước…) vẫn tương đối khả quan và hồi phục mạnh hơn. Trong khi đó, việc có nhiều loại vắc-xin được sản xuất và phân phối cuối năm nay và đầu năm tới trên mức độ rộng tạo kỳ vọng rất lớn về sự ổn định và hồi phục của kinh tế và thương mại toàn cầu, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hơn nữa, trên nền tăng trưởng thấp của năm nay thì việc đạt được tăng trưởng 6,5-7% là hoàn toàn khả thi.

Cùng quan điểm này, báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa phát hành cũng dự báo, tăng trưởng GDP quý IV/2020 có thể đạt từ 4% - 5% (do các động lực tăng trưởng dần cho thấy sự phục hồi sau dịch), qua đó giúp tăng trưởng cả năm 2020 đạt mức 2,73% - 3,06%. VCBS cũng dự báo, GDP năm 2021 tăng khoảng 6,5% -7%.

Còn nhiều rủi ro khó lường

Theo TS Cấn Văn Lực, bên cạnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường thì các rủi ro về căng thẳng thương mại, địa chính trị phức tạp cũng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính, các kênh đầu tư cũng như giá cả các hàng hóa cơ bản như dầu mỏ. Đây là những rủi ro bên ngoài tác động đến Việt Nam; trong khi ở trong nước, các cân đối vĩ mô cũng sẽ chịu những áp lực nhất định, như áp lực gia tăng về lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ xấu. Tuy nhiên các rủi ro và áp lực đó sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Từ những nhận định về triển vọng và rủi ro như vậy, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị trong thời gian còn lại của năm 2020 và năm 2021, mục tiêu ưu tiên số một vẫn phải là thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế. Cùng với đó, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính như đã đề cập (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), song song với đó là phát huy các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt liên quan đến kinh tế số, khai thác các Hiệp định FTA mới đã và đang chuẩn bị có hiệu lực. Đặc biệt, năm 2021 cũng là năm bắt đầu nhiệm kỳ mới nên bộ máy mới cần sớm bắt tay vào cuộc, có các chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ. Có như vậy mới vừa kết nối, vừa phát huy đảm bảo được việc thực hiện mục tiêu kép như đặt ra.

Còn theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, những cú sốc và bất định từ bên ngoài như trong thời gian qua cho thấy, dù “làm gì thì làm chúng ta vẫn phải giữ được ổn định và tạo được khả năng chống chịu”. Bên cạnh đó là sự khéo léo trong triển khai điều hành các chính sách, làm sao cân đối được giữa việc vừa hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh (với yêu cầu đủ mạnh mẽ, đủ dài, đủ quyết liệt) với ngăn chặn các rủi ro phát sinh và giữ được tổng thể vĩ mô ổn định.

Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, hiện còn dư địa rất lớn để cải thiện hơn nữa về môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, nếu Quốc hội, Chính phủ tập trung xử lý mạnh mẽ hơn nữa những điểm nghẽn trong các thủ tục đầu tư, kinh doanh; những chồng chéo trong các quy định pháp luật mà cộng đồng doanh nghiệp đã từng đề nghị sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. “Khả năng tăng trưởng kinh tế 6-7% không phải là mục tiêu khó nhưng sẽ tùy thuộc vào hai biến số rất quan trọng: Diễn biến dịch Covid trên thế giới và nỗ lực cải cách của chúng ta”, ông Lộc nhận định.

Ly Nguyễn