Mô hình doanh nghiệp gia đình: Bí quyết quản trị hiệu quả

19:30 14/11/2022

Quản trị mô hình doanh nghiệp (DN) gia đình thoạt nghe đơn giản nhưng thực tế không dễ để thực hiện. Ngoài ra sự phát triển và tính duy trì của công ty phải phụ thuộc cao vào yếu tố con người. Thông thường các doanh nghiệp muốn duy trì theo mô hình công ty gia đình thì phải có sự kế thừa của thế hệ sau.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm "Quản trị doanh nghiệp gia đình thời công nghệ số” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, các diễn giả cho rằng, doanh nghiệp gia đình được thành lập và hoạt động dựa trên Luật doanh nghiệp. Thành viên và cổ đông thuộc cùng một gia đình, nắm giữ gần như toàn bộ vốn điều lệ hay cổ phần doanh nghiệp.

Có một số đặc điểm chính của doanh nghiệp gia đình (đặc điểm phổ biến, không phải pháp lý) như sau:

- Thành viên công ty: Chủ sở hữu, người nắm các chức danh quản lý công ty là người trong gia đình. Trong một số công ty, hầu hết nhân sự đều là các thành viên trong gia đình (có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng hoặc thân thiết trong gia đình).

- Tỷ lệ vốn góp: Các thành viên trong gia đình thường nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty.

- Thời gian tồn tại: Thường có thời gian hoạt động và tồn tại lâu hơn so với các công ty khác bởi công ty gia đình có sự kế thừa giữa các thế hệ để duy trì và phát triển công ty.

Ưu điểm của mô hình này là có lợi thế trong việc quản trị công ty; quyền sở hữu và tỷ lệ vốn góp thường tập trung vào một người hoặc một nhóm người trong gia đình nên sẽ hạn chế việc người ngoài tham gia quản lý và điều hành công ty; việc tổ chức và quản lý công ty được thực hiện linh động, ngoài áp dụng điều lệ công ty thì có thể được giải quyết bởi các nguyên tắc, truyền thống gia đình; các thành viên trong công ty thường có trách nhiệm lớn đối với công việc và quan hệ hợp tác và sự tin tưởng giữa các thành viên trong công ty cao, chặt chẽ. Đây cũng là cơ sở để tạo niềm tin cho các đối tác trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là khó khăn trong việc huy động vốn cũng như các nguồn lực khác ở bên ngoài như: cơ sở vật chất, nhân sự…vì bản chất của công ty gia đình là mô hình quản trị kinh doanh khép kín trong phạm vi gia đình. Ngoài ra, sự phát triển và tính duy trì của công ty phải phụ thuộc cao vào yếu tố con người. Thông thường các doanh nghiệp muốn duy trì theo mô hình công ty gia đình thì phải có sự kế thừa của thế hệ sau. Những người quản lý sau yêu cầu phải có năng lực và triển vọng để phát triển công ty. Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn, chia rẻ giữa các thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty. Một số công ty gia đình tan rã, ngừng hoạt động là do mâu thuẫn nội bộ.

Vậy đâu là bí quyết để khắc phục nhược điểm của mô hình DN gia đình?

Đặt ra nguyên tắc chung 

Điều bất cứ DN gia đình nào cũng nên hướng tới là sự cân bằng giữa công việc chung và mối quan hệ riêng giữa các thành viên. Để đạt điều này, mọi thành viên cần thống nhất nguyên tắc làm việc và sinh hoạt gia đình, tránh nhập nhằng mà gây ảnh hưởng tới nhau.

Các thành viên nên học cách chia sẻ thẳng thắn. Mọi vấn đề ở công ty nên được giải quyết sớm và rõ ràng, tránh mang "công việc về nhà” tranh luận mà gây xung đột nội bộ.

doanh nghiệp gia đình được thành lập và hoạt động dựa trên Luật doanh nghiệp
Doanh nghiệp gia đình được thành lập và hoạt động dựa trên Luật doanh nghiệp.

Tham khảo ý kiến của bên thứ ba

Lời khuyên từ bên ngoài có thể giúp các công ty gia đình tránh khỏi các quyết định chủ quan và bù đắp cho những thiếu sót trong chuyên môn.

Bạn nên đưa một thành viên độc lập, không phải là thành viên trong gia đình vào hội đồng quản trị hoặc tuyển thêm các trợ lý để đưa ra đánh giá khách quan và tăng thêm sự chuyên nghiệp cho các buổi họp của hội đồng quản trị.

Chú ý tới chuyển đổi số

Có 5 cách để DN gia đình tiếp cận với chuyển đổi số. Đầu tiên, phải đánh giá thực trạng, mục tiêu nào cần chuyển đổi để bắt kịp xu hướng. Thứ hai, cần vạch ra chiến lược cụ thể, đồng thời chuẩn bị năng lực tài chính. Tiếp theo, số hóa toàn bộ data và dữ liệu cho phần mềm mà DN hướng tới. Sau đó, DN phải chuẩn bị đội ngũ nhân sự phù hợp để vận hành chuyển đổi số. Cuối cùng, cần thường xuyên đánh giá kết quả để có những điều chỉnh và thay đổi kịp thời.

Tạo điều kiện phát triển bên ngoài cho các thành viên

Ông Kao Siêu Lực - Tổng Giám đốc Công ty CP ABC Bakery cho rằng, ưu tiên lớn nhất của các CEO trong DN, đặc biệt với DN gia đình là khả năng "re-skill" (quá trình học và vận dụng những kỹ năng mới). Đó có thể là đi du học hay trải nghiệm như một nhân viên bình thường tại DN khác. Sau thời gian này, khi quay về DN, họ sẽ trở nên trưởng thành và hoạt động hiệu quả hơn so với người "mãi chỉ nằm trong một tổ”.

Luôn công bằng, minh bạch

Một vấn đề thường xuất hiện với mô hình DN gia đình là sự "bất công" giữa thành viên thuộc gia đình và nhân viên khác, hoặc thậm chí giữa thành viên gia đình với nhau. Tất nhiên, "sự thiên vị” với người có cùng huyết thống là điều dễ hiểu, nhưng nếu tình trạng đó kéo dài và đi quá giới hạn, việc ai đó "bất bình" là điều khó tránh. 

Do đó, DN nên đưa ra quy định, chính sách rõ ràng và minh bạch, yêu cầu mọi người phải tuân thủ, kể cả thành viên thân thiết nhất. Nhưng trên hết, mấu chốt vẫn nằm ở bản lĩnh điều hành của người đứng đầu.

Tránh lạm dụng chức quyền

Người quản lý cần đảm bảo đối xử với người trong gia đình như mọi nhân viên khác. Ngược lại, khi về nhà cũng vậy; mọi thứ sẽ rối loạn khi ai đó mang quyền hạn của mình ở công ty về nhà. Để ngăn chặn điều này, lãnh đạo DN cần học cách tôn trọng ý kiến của từng cá nhân, luôn đánh giá và hành động một cách khách quan, đặc biệt không nhập nhằng giữa chuyện công và tư.

Nếu ai đó muốn rời đi, hãy để họ đi

Chuyện nhân viên ra đi ngày càng trở nên quá phổ biến ở các công ty. Với tư cách là người đứng đầu công ty gia đình, bạn nên chuẩn bị trước tinh thần cho mọi sự từ chức của nhân viên và tôn trọng quyết định của họ. Nếu bạn càng cố gắng “níu kéo”, bạn sẽ càng làm mối quan hệ thân thiết giữa bạn và người đó trở nên tồi tệ hơn và không mang lại hiệu quả.

Cách tốt nhất để “giữ chân” nhân viên là bạn nên tạo một môi trường làm việc lành mạnh và có tính cạnh tranh cao. Cho dù nhân viên có phải là người thân của bạn hay không, bạn cũng nên tạo cơ hội thăng tiến cho họ. Nếu nhân viên (người thân) của bạn có khả năng làm việc tốt, hãy cân nhắc và tạo điều kiện cho anh/cô ta lên làm quản lý. Ngoài ra, hãy thể hiện sự đánh giá cao của bạn về những ý kiến, quan điểm hay của nhân viên.

T.H