Giải quyết bài toán kết nối và quản trị dữ liệu đám mây cho doanh nghiệp

12:47 17/08/2022

Xu hướng doanh nghiệp dịch chuyển dữ liệu của mình lên hệ thống điện toán đám mây (cloud) đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Các chính sách về chuyển dịch, lưu trữ dữ liệu lên cloud hiện nay của nhà nước cũng như các bộ ban ngành cũng đã bắt đầu cởi mở hơn, từ đó giúp các công ty nhanh chóng áp dụng dịch vụ này hơn.

Xu hướng doanh nghiệp dịch chuyển dữ liệu của mình lên hệ thống điện toán đám mây (cloud) đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ.

Xu hướng doanh nghiệp dịch chuyển dữ liệu của mình lên hệ thống điện toán đám mây (cloud) đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ.

Trước tác động của dịch Covid-19, việc đột ngột chuyển sang làm việc từ xa đã làm lộ ra các lỗ hổng trong nhiều kế hoạch khắc phục thảm họa và dẫn đến việc gia tăng chuyển sang các giải pháp dựa trên đám mây vào năm 2021. Với giải pháp khắc phục thảm họa dựa trên đám mây, nhân viên vẫn có thể truy cập tài nguyên và tiếp tục làm việc ngay cả khi không thể gặp trực tiếp. Nhóm hỗ trợ CNTT cũng có thể giám sát và duy trì mạng kinh doanh, cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn.

Theo dự đoán của Gartner, đến năm 2023 toàn thế giới sẽ sinh ra khoảng 12 Zettabyte và 40% số dữ liệu này sẽ được lưu trữ trên nền tảng Public Cloud (hệ thống điện toán đám mây được cung cấp bởi một bên thứ ba).

Tuy nhiên, dù công nghệ lưu trữ đám mây này có rất nhiều điểm tiện lợi như dễ dàng mở rộng, không tốn diện tích đặt máy chủ… nhưng vẫn có những khó khăn nhất định khiến nhiều doanh nghiệp chưa lựa chọn dịch vụ này.

Ông Đặng Chí Hiếu - trưởng nhóm đối tác kỹ thuật NetApp Việt Nam chỉ ra: “Đầu tiên là vấn đề bảo mật. Một số các doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp nhà nước hoặc Chính phủ không thể đăng tải dữ liệu lên các hệ thống đám mây được cung cấp bởi các bên thứ ba.

Thứ 2 chính là khả năng phục hồi dữ liệu. Nếu một trung tâm dữ liệu của bên cung cấp dịch vụ xảy ra sự cố như cháy nổ, quá tải, thời gian phục hồi sẽ rất lâu, làm ảnh hướng lớn đến dịch vụ của công ty.

Thứ 3 là việc chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới có thể tốn rất nhiều tiền. Việt Nam còn rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống xây dựng từ lâu. Khi đồng bộ dữ liệu lên Cloud, công ty sẽ phải tốn thêm chi phí để xây dựng lại hệ thống mới.

Cuối cùng là chi phí cho Cloud, nếu một công ty không kiểm soát được dữ liệu sẽ khiến việc mở rộng dung lượng diễn ra liên tục và cực kỳ tốn chi phí.”

Chính vì 4 lý do này mà hiện nay đa số các doanh nghiệp trên thế giới đang chuẩn bị quay sang sử dụng mô hình lưu trữ là Hybrid Cloud (Một giải pháp điện toán đám mây sử dụng cả hai mô hình private cloud và public cloud).

Lợi thế của Hybrid Cloud giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi dữ liệu giữa 2 bên máy chủ và cloud, một phần dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp vẫn sẽ giữ tại các máy chủ riêng tại công ty chỉ sử dụng dịch vụ Public Cloud cho một số phần việc và có thể tiết kiệm tới 80% chi phí so với việc chỉ sử dụng 1 trong 2 giải pháp lưu trữ.

Ông Đặng Chí Hiếu dự báo: “Theo NetApp thống kê, 87% các doanh nghiệp hiện nay đã, đang và sẽ lựa chọn mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng Hybrid Cloud. Chính vì vậy, việc áp dụng sớm mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi số nhanh chóng hơn.”

Mặc dù giải pháp public cloud đi kèm với các lợi ích như chi phí thấp hơn, ít bảo trì hơn và khả năng mở rộng gần như không giới hạn, song đây chưa phải là một lựa chọn hoàn hảo cho các doanh nghiệp trong các ngành được quản lý vì các yêu cầu tuân thủ và bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt.

T.H