Sự phát triển quá nhanh của AI đặt ra nhiều mối lo ngại

10:40 31/08/2023

Theo cuộc khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 52% dân số Mỹ lo ngại về vai trò của AI trong đời sống. Không chỉ người dân, các chuyên gia đầu ngành cũng tỏ ra nghi ngại trước rủi ro từ AI.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đài NBC News ngày 29.8 đưa tin, Công ty OpenAI đã khởi động chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT Enterprise phục vụ hoạt động kinh doanh. Được phát triển trong 1 năm, dưới sự trợ giúp của hơn 20 công ty, ChatGPT Enterprise có quyền truy cập không giới hạn vào chương trình GPT-4 với hiệu suất tăng gấp đôi so với các phiên bản trước. OpenAI cũng có kế hoạch ra mắt cấp độ sử dụng khác, được gọi là ChatGPT Business, cho các nhóm nhỏ hơn, nhưng không nêu mốc thời gian.

ChatGPT Enterprise được công bố giữa lúc cuộc đua phát triển AI tiếp tục nóng lên. Sự phát triển quá nhanh của AI đã khiến hơn một nửa dân số Mỹ lo lắng. Theo cuộc khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 52% dân số Mỹ lo ngại về vai trò của AI trong đời sống. Không chỉ người dân, các chuyên gia đầu ngành cũng tỏ ra nghi ngại trước rủi ro từ AI. 

Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, cho rằng, AI có thể bị biến thành vũ khí đe dọa sự sống, trừ khi có sự can thiệp của con người.

"Mọi công nghệ từng được phát minh đều có tiềm năng trở thành công cụ nhưng cũng là vũ khí", Smith nói với CNBC. "Chúng ta cần đảm bảo AI chịu sự kiểm soát của con người. Bất cứ tổ chức nào, dù là chính phủ hay quân đội, đang nghĩ đến việc sử dụng AI để tự động hóa cơ sở hạ tầng quan trọng, cần đảm bảo con người để có thể làm chậm hoặc tắt mọi thứ khi cần".

Brad Smith, Chủ tịch Microsoft
Brad Smith, Chủ tịch Microsoft.

Smith cho biết, Microsoft nhận thức được rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng AI, đồng thời vận động các công ty khác "làm điều đúng đắn". Ông cũng ủng hộ các quốc gia ra luật và quy định mới nhằm đảm bảo các giao thức an toàn được tuân thủ.

"Hãy tưởng tượng, nguồn điện phụ thuộc vào cầu dao, xe bus có phanh khẩn cấp", ông ví von. "Chúng ta đã có cách kiểm soát tương tự với các công nghệ khác. Bây giờ cũng nên áp dụng cho AI".

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 16/5, Sam Altman, CEO của OpenAI, cũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo là một sự tiến bộ, nhưng có thể trở thành hiểm họa nếu rơi vào tay kẻ xấu, “có thể đi chệch hướng, tạo sai lầm và gây hại đáng kể cho thế giới nếu không được điều chỉnh hợp lý”. Ông mong muốn hợp tác với chính phủ để ngăn chặn các kịch bản xấu trong tương lai, thúc đẩy việc thành lập một cơ quan giám sát công nghệ này.

Trước các mối lo, lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer dự định chủ trì diễn đàn về AI vào ngày 13.9 tới để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, phiên họp còn nhằm đánh giá rủi ro của AI đối với việc làm, nạn tin giả và trộm cắp tài sản trí tuệ, cũng như triển vọng dùng công nghệ cho mục đích nghiên cứu y khoa. Tờ The New York Times đưa tin sự kiện lần này dự kiến quy tụ những nhân vật tầm cỡ như tỉ phú Elon Musk của Tập đoàn Tesla và ban lãnh đạo của các gã khổng lồ như Google, OpenAI và Microsoft.

Công Minh (t/h)