Công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng cải thiện chất lượng lao động

21:59 22/08/2023

Báo cáo từ Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết, tác động lớn nhất của công nghệ AI có thể không phải là xóa sổ việc làm mà có khả năng cải thiện chất lượng lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) có nhiều khả năng giúp tạo thêm việc làm thông qua việc tự động hóa một số công đoạn, thay vì đảm nhận hoàn toàn công việc.

Báo cáo công bố mới đây đã tập trung phân tích những tác động tiềm ẩn của Generative AI đối với số lượng và chất lượng công việc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, hầu hết các công việc và ngành nghề chỉ ứng dụng một phần công nghệ tự động hóa, và các nghề nghiệp nhiều khả năng được bổ sung hơn là bị thay thế trước làn sóng Generative AI mới nhất, chẳng hạn như chatGPT.

Do đó, báo cáo nhận định, tác động lớn nhất của công nghệ AI có thể không phải là xóa sổ việc làm mà có khả năng cải thiện chất lượng lao động, đặc biệt là cường độ làm việc và tính tự chủ trong công việc.

Điều này có nghĩa là "tác động quan trọng nhất của công nghệ có thể là tăng cường hiệu suất công việc".

ILO tính toán rằng 5,5% công việc ở các quốc gia có thu nhập cao có khả năng bị tự động hóa bởi trí tuệ nhân tạo, so với 0,4% công việc ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy công việc văn thư có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi AI cao nhất. Công việc này là nhóm chịu tác động lớn nhất khi gần 25% và 50% khối lượng việc làm lần lượt có mức tiếp xúc cao và trung bình với công nghệ.Thậm chí ở các nước giàu có, công việc này sẽ có nguy cơ bị công nghệ AI “chiếm mất”.

Trong khi đó, các nhóm nghề nghiệp khác bao gồm quản lý, chuyên gia và kỹ thuật viên chỉ có một phần nhỏ tiếp xúc cao và 25% tiếp xúc trung bình với công nghệ.

Đáng chú ý, do phụ nữ thường đảm nhiệm vị trí văn thư, đặc biệt ở các nước có thu nhập cao và trung bình, nên đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với nam giới.

Tuy nhiên, ILO cũng cảnh báo làn sóng công nghệ mới có thể gia tăng cường độ và giới hạn quyền tự quyết của người lao động. Vì vậy, các quốc gia cần xây dựng chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi “công bằng, trật tự và có tham vấn”. Trong bối cảnh tiềm năng phát triển ở các quốc gia là như nhau, báo cáo nhấn mạnh cần có chính sách đúng đắn điều chỉnh làn sóng kể trên, mang đến lợi ích quan trọng cho các nước đang phát triển.

Hồi tháng 7, trang SCMP cũng đã đưa tin hơn 1/4 công việc trong 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dựa vào các kỹ năng có thể dễ dàng tự động hóa trong cuộc cách mạng AI sắp tới.

OECD cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của AI đang có tác động đáng kể đến việc làm, nhưng điều này có thể do cuộc cách mạng AI đang ở giai đoạn đầu.

Các công việc có rủi ro bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động ở 38 thành viên OECD. Trong đó, công việc tại các quốc gia Đông Âu có nguy cơ bị tự động hóa nhiều nhất, OECD cho biết trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2023.

Theo định nghĩa của OECD, những công việc có rủi ro cao nhất thường sử dụng hơn 25 trong số 100 kỹ năng và khả năng mà các chuyên gia AI cho rằng có thể dễ dàng tự động hóa.

Nghiên cứu vào tháng 7 của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cũng đã cho thấy AI có thể tạo ra lợi ích về lâu dài cho nhân viên văn phòng thay vì thay thế họ. Hồi tháng 6, McKinsey cho biết generative AI có thể thêm 7.300 tỉ USD vào nền kinh tế thế giới mỗi năm và tin rằng một nửa hoạt động công việc hiện tại có thể được tự động hóa từ năm 2030 đến 2060. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là các công ty cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, như dư thừa nhân viên và xem xét lại mô hình kinh doanh của họ, nếu muốn khai thác đầy đủ tiềm năng của AI.

Minh Tú (T/h)