![]() |
OpenAI công bố hủy kế hoạch chuyển sang mô hình vì lợi nhuận |
Giữa làn sóng chỉ trích và thách thức pháp lý, OpenAI - công ty đứng sau ChatGPT - vừa chính thức tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tái cấu trúc theo mô hình doanh nghiệp vì lợi nhuận. Thay vào đó, tổ chức sẽ tiếp tục hoạt động dưới sự kiểm soát của hội đồng quản trị phi lợi nhuận, đồng nghĩa với việc quyền lực của CEO Sam Altman đối với công ty mẹ sẽ bị hạn chế đáng kể.
Ngày 5/5, OpenAI bất ngờ phát đi thông báo trên website: “Chúng tôi đã quyết định rằng tổ chức phi lợi nhuận sẽ tiếp tục kiểm soát OpenAI sau khi lắng nghe các nhà lãnh đạo dân sự và tham gia đối thoại mang tính xây dựng với văn phòng Tổng chưởng lý bang Delaware và California". Chủ tịch Hội đồng quản trị OpenAI, ông Bret Taylor cũng xác nhận, công ty sẽ giữ nguyên cấu trúc hiện tại, rất gần gũi với mô hình ban đầu.
Quyết định này đánh dấu một bước lùi đáng kể so với kế hoạch trước đó của OpenAI, trong đó công ty dự định chuyển đổi từ mô hình phi lợi nhuận sang một loại hình doanh nghiệp vì lợi nhuận giới hạn (capped-profit) và sau đó là công ty phúc lợi công cộng (Public Benefit Corporation – PBC). Mô hình này nhằm cho phép huy động vốn lớn nhưng vẫn giữ cam kết tạo tác động tích cực cho xã hội.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều phía. Đáng chú ý nhất là vụ kiện của tỷ phú Elon Musk - người đồng sáng lập OpenAI - cáo buộc công ty đi chệch khỏi sứ mệnh ban đầu "vì lợi ích toàn nhân loại". Cùng lúc, CEO Meta - Mark Zuckerberg - cũng gửi thư cho Tổng chưởng lý bang California yêu cầu điều tra OpenAI vì cho rằng công ty "lợi dụng" tư cách phi lợi nhuận để gọi vốn.
Không chỉ vậy, việc chuyển đổi cấu trúc đòi hỏi hàng loạt bước phức tạp về pháp lý như thay đổi giấy chứng nhận thành lập, định giá tài sản và cổ phần của CEO Altman cùng các nhà đầu tư, xác định lại vai trò kiểm soát giữa các đơn vị trực thuộc. Các nhà chức trách ở Delaware và California - nơi OpenAI đăng ký hoạt động - cũng có quyền ngăn chặn kế hoạch nếu vi phạm luật về tổ chức phi lợi nhuận.
Mặc dù rút khỏi mô hình vì lợi nhuận truyền thống, OpenAI vẫn đang tìm cách huy động hàng chục tỷ USD để phục vụ tham vọng phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI). Theo CEO Altman, công ty sẽ cần “hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ USD” để đưa AI đến với toàn nhân loại.
![]() |
CEO Sam Altman |
Hồi tháng 3, OpenAI đã huy động thành công 40 tỷ USD với mức định giá lên đến 300 tỷ USD – vòng gọi vốn tư nhân lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Tuy nhiên, điều khoản vốn yêu cầu công ty phải chuyển đổi thành doanh nghiệp vì lợi nhuận trong vòng hai năm, nếu không nhà đầu tư có quyền rút vốn.
Phát ngôn viên OpenAI, ông Steve Sharpe cho biết công ty đang chuyển đơn vị thương mại của mình sang mô hình PBC – một loại hình vẫn tạo ra lợi nhuận nhưng nhấn mạnh mục tiêu xã hội. Theo đó, các nhà đầu tư và nhân viên sẽ sở hữu cổ phiếu phổ thông, không còn bị giới hạn lợi nhuận như mô hình cũ vốn chỉ cho phép thu lãi gấp 100 lần vốn đầu tư.
Việc duy trì mô hình phi lợi nhuận cũng đồng nghĩa quyền kiểm soát của hội đồng quản trị - tổ chức từng sa thải chính CEO Sam Altman vào năm 2023 - vẫn còn nguyên vẹn. Điều này được giới quan sát nhận định là "có thể kìm hãm quyền lực" của vị CEO đầy tham vọng này.
Trả lời những lo ngại này, CEO Altman khẳng định: “OpenAI không bao giờ là một công ty bình thường và sẽ không trở thành như vậy". Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận rằng công ty cần một cấu trúc vốn linh hoạt hơn để huy động nguồn lực cho tham vọng toàn cầu.
Thông báo mới nhất của OpenAI không xóa bỏ hoàn toàn các thách thức pháp lý. Phiên tòa giữa tỷ phú Elon Musk và OpenAI dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2026. Phía tỷ phú Musk cho rằng thông báo của OpenAI thiếu minh bạch, đặc biệt là về quyền sở hữu cổ phần trong đơn vị vì lợi nhuận – hiện do CEO Sam Altman điều hành.
Đầu năm nay, ông Musk thậm chí còn ngỏ ý mua lại OpenAI với giá 97,4 tỷ USD nhưng bị ông Sam Altman từ chối thẳng thừng.