![]() |
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. |
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, khóa XV, tại phiên họp buổi chiều 9/5, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
Luật đặt ra khung pháp lý quan trọng cho các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, tài sản mã hóa và các dịch vụ số hiện đại.
Theo dự thảo, AI được phát triển nhằm phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm; nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, thúc đẩy thông minh hóa. Việc sử dụng AI đảm bảo công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị dân tộc, đạo đức, quyền và lợi ích của con người và bảo vệ quyền riêng tư.
Về các nguyên tắc an toàn, việc sử dụng AI bảo đảm minh bạch, khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo; không vượt qua tầm kiểm soát của con người. Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm sử dụng AI bảo đảm an ninh và bảo mật; quản lý dựa trên rủi ro trong suốt vòng đời của trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.
Một điểm nổi bật khác là việc luật hóa quản lý tài sản mã hóa - một dạng tài sản số không bao gồm chứng khoán hay tiền pháp định, nhưng có thể được lưu trữ, phát hành, chuyển giao qua công nghệ mã hóa. Việc quản lý tài sản số bao gồm tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu tài sản số.
Cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phòng, chống rửa tiền, khủng bố; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản số. Ngoài ra, hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa, phát hành tài sản mã hóa phải tuân thủ điều kiện kinh doanh cụ thể.
Thẩm quyền, quản lý với tài sản số, tài sản ảo trên môi trường điện tử, tài sản mã hóa trong lĩnh vực chuyên ngành được thực hiện theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung các khái niệm, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, các mã thông báo, tiền pháp định, tài sản tài chính và có quy định về cung ứng các dịch vụ liên quan.
Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Cùng với đó, dự luật cần bổ sung những chế tài để làm sao hạn chế rủi ro và xử lý được những thách thức về quản lý trong không gian mạng như hiện nay.
Trong phiên làm việc buổi sáng 9/5, Quốc hội nghe trình bày và báo cáo thẩm tra các dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, do Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp cũng được trình bày theo quy trình tương tự, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Tiếp theo chương trình, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra cũng đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Những nội dung được thảo luận trong ngày làm việc hôm nay đều có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Quốc hội sẽ tiếp tục chương trình làm việc trong những ngày tới với tinh thần trách nhiệm, thảo luận thẳng thắn, xây dựng.
Trước đó, vào ngày 6/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là chủ trương trao quyền tự chủ toàn diện cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và cá nhân nhà khoa học - một thay đổi được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho sáng tạo và thúc đẩy mạnh mẽ năng suất nghiên cứu trong nước.
Không chỉ trao quyền tự chủ về chuyên môn, dự luật còn mở rộng quyền sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho tổ chức và cá nhân. Theo đó, cơ sở nghiên cứu sẽ có toàn quyền sở hữu đối với tài sản hình thành từ nghiên cứu, kể cả khi dùng vốn nhà nước. Đặc biệt, người trực tiếp nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ hoạt động thương mại hóa và được phép thành lập, điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Điều này phá vỡ rào cản trước đây khi Nhà nước là chủ sở hữu tuyệt đối với kết quả nghiên cứu từ ngân sách, khiến việc thương mại hóa thường bị vướng thủ tục định giá, hoàn trả, dẫn đến lãng phí chất xám.
Dự thảo luật cũng dành riêng một chương để bổ sung nhiều chính sách thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào KH,CN&ĐMST. Các biện pháp khuyến khích bao gồm: ưu đãi thuế, khen thưởng cho nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ nhân lực trong nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài và Việt kiều trở về tham gia các nhiệm vụ trọng điểm.