![]() |
Thuế quan chưa đủ để Apple chuyển sản xuất iPhone về Mỹ |
Giữa làn sóng gia tăng thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Apple không chọn cách hồi hương dây chuyền sản xuất về Mỹ như mong đợi từ Washington. Thay vào đó, "Táo khuyết" chuyển hướng chiến lược sang Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong cuộc họp công bố lợi nhuận quý gần đây, CEO Tim Cook tiết lộ chi phí hoạt động của Apple đã tăng thêm khoảng 900 triệu USD chỉ trong quý này do ảnh hưởng từ thuế quan. Để giảm thiểu tác động này, Apple đang đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất iPhone sang Ấn Độ. Theo ông Cook, phần lớn iPhone bán tại Mỹ trong tương lai sẽ được lắp ráp tại quốc gia Nam Á này.
Song song đó, Việt Nam cũng giữ vai trò then chốt trong chiến lược "tách khỏi Trung Quốc" của Apple. Hiện nay, "gần như tất cả" các sản phẩm như iPad, Mac, Apple Watch và AirPods nhập khẩu vào Mỹ đều được sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo hãng nghiên cứu Nikkei, tính đến năm 2023, khoảng 84% trong số 187 nhà cung ứng hàng đầu của Apple vẫn có cơ sở tại Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 35, Thái Lan 24 và Ấn Độ 14 nhà cung ứng. Điều này cho thấy dù Apple đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong nhiều năm, Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất không dễ thay thế.
Việc chuyển toàn bộ chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc không hề đơn giản. Một số sản phẩm như MacBook hay Mac mini được gắn mác “Made in Vietnam” nhưng thực tế nhiều linh kiện quan trọng như bo mạch vẫn phải đưa trở lại Trung Quốc để hoàn thiện.
"Vỏ kim loại của MacBook được sản xuất bằng công nghệ đúc nguyên khối rất tinh vi, đòi hỏi máy móc chuyên dụng và công nhân lành nghề, điều mà chỉ Trung Quốc hiện nay mới có thể đáp ứng ở quy mô lớn", giám đốc một công ty cung ứng của Apple chia sẻ.
Vấn đề nhân lực càng làm khó bài toán "hồi hương". Năm 2015, CEO Tim Cook từng so sánh những người làm khuôn và công cụ ở Mỹ chỉ nhét vừa một căn phòng trong khi con số đó ở Trung Quốc phải cần tới nhiều sân bóng đá. Với hơn 1.500 linh kiện trong một chiếc iPhone, việc thiếu nhân lực và kỹ thuật ở Mỹ khiến giấc mơ "iPhone sản xuất tại quê nhà" càng thêm xa vời.
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, chi phí sản xuất tại Mỹ cao hơn nhiều lần so với Trung Quốc. "Chỉ cần so sánh lương trung bình của công nhân tại Trịnh Châu (Trung Quốc) với Detroit (Mỹ) đã thấy khác biệt rất lớn", chuyên gia Ivan Lam từ Counterpoint Research nhận định.
Vệc chuyển sản xuất về nội địa cũng sẽ đẩy giá thành của chiếc iPhone lên cao. Một thảo luận trên Quora đặt giả thuyết rằng nếu điều này thành sự thật thì giá iPhone có thể lên đến 30.000 USD.
Không chỉ Apple, các đối tác cung ứng của hãng cũng đang xoay sở giữa yêu cầu đa dạng hóa sản xuất và chi phí leo thang. Ông Paul Peng - Chủ tịch hãng sản xuất màn hình AUO - cho biết chỉ riêng việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam đã khiến chi phí vận hành tăng 10%. Nếu chuyển toàn bộ sang Mỹ, chi phí thậm chí có thể tăng gấp đôi.
Trong khi đó, Chủ tịch Pegatron - hãng lắp ráp iPhone - nhấn mạnh không nên để các chính sách thuế quan ngắn hạn làm gián đoạn toàn bộ chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tỷ phú Stan Shih, người sáng lập hãng máy tính Acer, cũng từng từ chối sản xuất tại Mỹ do không thể kiếm được lợi nhuận. “Chúng ta cần giữ cái đầu lạnh. Nếu sản xuất tại Mỹ khiến doanh nghiệp lỗ, không có lý do gì để chọn con đường đó”, ông nói.
Bất chấp sức ép thuế quan ngày càng lớn, việc Apple đưa toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ vẫn là điều viển vông. Không chỉ vướng rào cản về chi phí, nhân lực và công nghệ, mà còn vì sự bất ổn trong chính sách điều hành.
Ngay cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump miễn trừ thuế đối với một số sản phẩm điện tử như iPhone, Apple vẫn phải gánh mức thuế tối thiểu 20% cho các thiết bị sản xuất tại Trung Quốc. Nếu chính sách thuế tiếp tục siết chặt, những rủi ro về chuỗi cung ứng sẽ càng hiện hữu.
Chiến lược "thoát Trung" của Apple vẫn đang tiến từng bước, nhưng việc tìm ra một địa điểm thay thế hoàn hảo cho Trung Quốc - nơi từng giúp hãng này xây dựng đế chế công nghệ - vẫn là bài toán chưa có lời giải.