![]() |
Grab chuẩn bị thâu tóm GoTo với giá 7 tỷ USD ? |
Grab, “ông lớn” trong lĩnh vực gọi xe và giao hàng tại Đông Nam Á, đang lên kế hoạch thâu tóm đối thủ GoTo trong một thương vụ trị giá khoảng 7 tỷ USD. Nếu thành công, đây có thể là bước ngoặt lịch sử khiến thị trường gọi xe khu vực chỉ còn lại một “người chơi lớn” duy nhất.
Theo thông tin từ hãng tin Reuters, Grab đã thuê các cố vấn tài chính và đang tiến hành đàm phán với một số ngân hàng để huy động vốn, nhằm hoàn tất thương vụ ngay trong quý II năm nay. Dù cả Grab lẫn GoTo đều từ chối bình luận, giới đầu tư và phân tích đang đặc biệt quan tâm đến diễn biến thương vụ được xem là có thể làm “rung chuyển” thị trường gọi xe Đông Nam Á.
Dự kiến mức giá Grab sẽ bỏ ra vào khoảng 7 tỷ USD – cao hơn đáng kể so với mức vốn hóa hiện tại khoảng 5,8 tỷ USD của GoTo, dù cổ phiếu công ty này đã tăng 20% kể từ đầu năm. Trong khi đó, giá trị vốn hóa của Grab đang dao động quanh mốc 20 tỷ USD.
Nếu thỏa thuận được chốt, Grab sẽ thâu tóm toàn bộ mảng kinh doanh của GoTo tại Singapore và phần lớn hoạt động tại Indonesia - trừ mảng dịch vụ tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc Gojek, ứng dụng gọi xe nổi tiếng của GoTo nhiều khả năng sẽ về chung một nhà với đối thủ lâu năm.
Theo số liệu của Euromonitor International, nếu sáp nhập thành công, Grab và GoTo sẽ kiểm soát khoảng 85% thị phần ngành gọi xe tại Đông Nam Á, trong một thị trường có tổng giá trị ước tính lên đến 8 tỷ USD. Riêng tại Indonesia, thị phần có thể lên tới 91%, còn ở Singapore là 90% - những con số đủ để biến Grab thành "gã khổng lồ thống trị" trong lĩnh vực gọi xe và giao hàng của khu vực.
Hai công ty này đều đang được hậu thuẫn bởi những “ông lớn” toàn cầu: Grab có Uber chống lưng, trong khi GoTo nhận được đầu tư từ SoftBank và Alibaba (thông qua nền tảng Taobao). Grab hiện đang cung cấp loạt dịch vụ gồm gọi xe, giao hàng và tài chính. Trong khi đó, GoTo tự nhận là hệ sinh thái số lớn nhất Indonesia, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe và ngân hàng số.
Chính mức độ thống lĩnh gần như tuyệt đối nếu sáp nhập thành công lại khiến thương vụ này đối mặt với hàng loạt rào cản pháp lý. Ông David Zhang, Giám đốc phụ trách mảng thanh toán và cho vay tại Euromonitor khu vực châu Á, cảnh báo rằng các cơ quan cạnh tranh tại Indonesia và Singapore nhiều khả năng sẽ vào cuộc để giám sát và có thể ngăn chặn thương vụ.
Thực tế, không ít tiền lệ đã cho thấy giới chức khu vực ngày càng siết chặt quản lý các thương vụ có dấu hiệu độc quyền. Hồi tháng 3, Uber đã buộc phải hủy kế hoạch mua lại Foodpanda tại Đài Loan với giá 950 triệu USD sau khi bị giới chức nước này bác bỏ vì lo ngại mất cạnh tranh và nguy cơ tăng giá.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại đưa ra góc nhìn thực tế hơn. Ông Niko Margaronis - nhà phân tích tại công ty chứng khoán BRI Danareksa Sekuritas của Indonesia - cho rằng giới chức có thể cân nhắc lợi ích dài hạn của nền kinh tế trong nước, thay vì cứng nhắc với các nguyên tắc chống độc quyền. Việc cho phép sáp nhập có thể giúp củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bản địa trước các đối thủ toàn cầu.
Dù còn nhiều dấu hỏi về mặt pháp lý, nếu thương vụ được thông qua, Grab sẽ chính thức trở thành người dẫn đầu tuyệt đối trong ngành gọi xe Đông Nam Á. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cục diện thị trường, mà còn tác động đến nhà đầu tư, cổ đông và cả người tiêu dùng.
Giới phân tích cảnh báo, nhà đầu tư cần đặc biệt theo dõi chặt chẽ tiến độ thương vụ trong những tháng tới, bởi bất kỳ động thái nào từ phía cơ quan chức năng tại Indonesia hoặc Singapore cũng có thể khiến kế hoạch sáp nhập bị đình trệ hoặc thay đổi đáng kể.