![]() |
GoTo đứng trước nguy cơ bị thâu tóm bởi Grab |
Thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Đông Nam Á có thể sẽ chứng kiến một trong những thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử, khi Grab đang tìm cách huy động 2 tỷ USD để mua lại đối thủ GoTo, công ty mẹ của nền tảng Gojek và Tokopedia tại Indonesia.
Theo Bloomberg và Reuters, Grab đang đàm phán với các ngân hàng để vay 2 tỷ USD với kỳ hạn khoảng 12 tháng. Các nguồn tin cũng cho biết công ty có thể phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn chủ sở hữu sau khi đảm bảo được khoản vay này.
Nếu thương vụ thành công, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa hai công ty lớn nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn. Trước đó, các cuộc đàm phán sáp nhập giữa Grab và GoTo đã liên tục diễn ra, thậm chí đặt mục tiêu chốt thương vụ vào năm 2025. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào được công bố, do những lo ngại về cạnh tranh và độc quyền khi hai công ty hàng đầu của khu vực sáp nhập.
Việc Grab đẩy mạnh kế hoạch sáp nhập GoTo diễn ra trong bối cảnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại châu Á ngày càng sôi động. Xu hướng này không chỉ thúc đẩy sự tái cơ cấu trong các ngành công nghiệp, mà còn góp phần củng cố nguồn tài chính cho các thương vụ lớn.
Gần đây, Blackstone đã hợp tác với Citigroup để huy động ít nhất 200 triệu USD hỗ trợ thương vụ mua lại trung tâm thương mại South City Mall tại Ấn Độ. Trong khi đó, Advent International đang tìm kiếm khoản vay khoảng 300 triệu USD để mua lại mảng kinh doanh của nhà sản xuất kính áp tròng Ginko International tại Trung Quốc.
Việc Grab huy động vốn cũng cho thấy thương vụ đang có tiến triển sau một thời gian dài do dự. Công ty đang tiến hành thẩm định và đàm phán về cấu trúc thương vụ có giá trị lên đến 7 tỷ USD.
Thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo Statista, doanh thu thị trường này dự kiến sẽ đạt 11,53 tỷ USD vào năm 2029, với số lượng người dùng tăng lên 218,5 triệu người.
Nếu Grab hoàn tất thương vụ mua lại GoTo, công ty mới có thể chiếm lĩnh tới 70% thị phần gọi xe và 60% thị trường giao đồ ăn trong khu vực. Điều này giúp công ty hợp nhất tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động và củng cố vị thế độc quyền. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất chính là sự giám sát từ các cơ quan chống độc quyền, khi một công ty có thị phần quá lớn có thể gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Trước đây, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã từng ngăn chặn các thương vụ sáp nhập của Grab, bao gồm kế hoạch mua lại hãng taxi Trans-Cab vào năm 2023 và thỏa thuận mua lại một phần hoạt động của foodpanda vào năm 2024. Do đó, khả năng thương vụ Grab - GoTo được chấp thuận vẫn là một dấu hỏi lớn.
Cả Grab và GoTo đều đã đạt tiến triển hướng đến lợi nhuận sau khi lên sàn chứng khoán. Trong quý 3 năm 2024, Grab ghi nhận lợi nhuận 15 triệu USD, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ từ khoản lỗ 99 triệu USD cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, GoTo cắt giảm lỗ 29% xuống còn 1,7 nghìn tỷ rupiah (140 triệu USD), với doanh thu tăng 8%.
Tuy nhiên, nếu thương vụ thất bại, cả hai công ty vẫn sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng riêng biệt. Grab đã mua một chuỗi siêu thị ở Malaysia và một ứng dụng đặt chỗ tại Singapore, trong khi GoTo trước đó đã nhượng lại quyền kiểm soát bộ phận thương mại điện tử cho TikTok với giá 1,5 tỷ USD.
Nếu thương vụ này thành công, đây sẽ là một cú sốc lớn đối với GoJek, thương hiệu từng cạnh tranh gay gắt với Grab tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam. Trước đó, GoJek đã phải bỏ thương hiệu GoViet và cuối cùng rút khỏi thị trường Việt Nam, giờ đây lại đứng trước nguy cơ bị thâu tóm hoàn toàn.