![]() |
Samsung thực hiện thương vụ mua lại lớn nhất kể từ năm 2017 |
Samsung Electronics vừa công bố thương vụ mua lại FlaktGroup - công ty hàng đầu của Đức chuyên cung cấp các giải pháp sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) - với giá trị 1,5 tỷ euro (tương đương 1,68 tỷ USD). Đây là thương vụ lớn nhất của "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc kể từ năm 2017, khi hãng chi 8 tỷ USD để thâu tóm Harman International trong lĩnh vực điện tử ô tô.
Thỏa thuận được ký kết với Triton, công ty đầu tư tư nhân châu Âu hiện đang nắm giữ FlaktGroup. Samsung dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ trong năm nay, đánh dấu một bước đi chiến lược nhằm mở rộng hoạt động trong lĩnh vực HVAC – một trong những động lực tăng trưởng mới bên cạnh chip, y tế, robot và thiết bị âm thanh.
Phát biểu về thương vụ này, ông Roh Tae Moon - Quyền Giám đốc Bộ phận Trải nghiệm thiết bị (DX) tại Samsung Electronics - nhấn mạnh: “HVAC sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong tương lai”. Việc mua lại FlaktGroup được xem là bước đi nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Samsung trên thị trường HVAC, nơi mà đối thủ LG Electronics và nhiều hãng toàn cầu khác cũng đang gia tăng hiện diện.
FlaktGroup hiện cung cấp các hệ thống tiết kiệm năng lượng cho trung tâm dữ liệu, sân bay, bảo tàng, nhà máy và các tòa nhà thương mại. Công ty phục vụ hơn 60 khách hàng lớn trên toàn cầu, trong đó có nhiều tên tuổi trong ngành dược phẩm, công nghệ sinh học, thực phẩm và giải khát.
Samsung nhận định thị trường HVAC toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh từ 61 tỷ USD trong năm 2024 lên tới 99 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8%/năm. Đặc biệt, nhu cầu làm mát cho các trung tâm dữ liệu ngày càng tăng nhanh do sự bùng nổ của AI tạo sinh và robot – lĩnh vực mà Samsung đang đặt nhiều kỳ vọng.
Samsung cho biết lĩnh vực trung tâm dữ liệu là một mảng có rào cản gia nhập cao, đòi hỏi năng lực thiết kế tối ưu và kinh nghiệm cung ứng toàn cầu. Hãng kỳ vọng việc tích hợp các công nghệ HVAC tiên tiến của FlaktGroup với hệ thống quản lý tòa nhà sẽ giúp nâng cao hiệu quả dịch vụ và khả năng bảo trì, đồng thời cung cấp các giải pháp toàn diện hơn về năng lượng.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích tỏ ra thận trọng trước thương vụ này. Ông Greg Roh, Giám đốc nghiên cứu tại Hyundai Motor Securities, nhận xét: “Đây không phải là cú chuyển mình mà thị trường mong đợi. Thương vụ này nhằm củng cố mảng điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng hơn là tạo đột phá trong lĩnh vực chip – vốn là 'con gà đẻ trứng vàng' của Samsung”.
Thực tế, trong cuộc họp cổ đông tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Lee Jae-yong từng khẳng định Samsung đang tìm kiếm những thương vụ “có ý nghĩa” để thúc đẩy tăng trưởng và không loại trừ khả năng M&A trong ngành công nghiệp chip. Do đó, thương vụ FlaktGroup phần nào khiến nhà đầu tư cảm thấy chưa đủ thỏa mãn nếu kỳ vọng vào các chiến lược mạnh tay hơn trong mảng bán dẫn.
Sau thương vụ Harman năm 2017, Samsung gần như "im hơi lặng tiếng" trên thị trường M&A quy mô lớn. Chỉ trong thời gian gần đây, hãng mới tăng tốc trở lại. Tháng 12 năm ngoái, Samsung trở thành cổ đông lớn nhất của công ty robot Rainbow Robotics sau khi chi thêm 267 tỷ won (khoảng 189 triệu USD). Đồng thời, Samsung cũng đã thành lập liên doanh với Lennox (Mỹ) và từng tham gia đấu thầu tài sản HVAC của Johnson Controls International - mảng mà sau đó được Robert Bosch mua lại với giá 8 tỷ USD.
Samsung cho biết các lĩnh vực như hệ thống sưởi/làm mát, thiết bị âm thanh, công nghệ y tế và robot sẽ là những động lực tăng trưởng mới bên cạnh mảng bán dẫn. Thương vụ FlaktGroup là bước đi phù hợp trong chiến lược đó, cho thấy Samsung đang mở rộng tầm nhìn dài hạn thay vì chạy theo trào lưu ngắn hạn của thị trường.