![]() |
Apple kháng cáo khoản tiền phạt 500 triệu euro từ EU |
Apple đang chuẩn bị nộp đơn kháng cáo khoản tiền phạt 500 triệu euro mà Ủy ban châu Âu (EC) vừa áp đặt, cáo buộc công ty vi phạm các quy định của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) – một đạo luật mới nhằm kiểm soát hoạt động của các “ông lớn” công nghệ tại thị trường EU.
Theo hãng công nghệ Mỹ, Ủy ban châu Âu đã bỏ qua các nỗ lực tuân thủ pháp lý của Apple trong suốt năm 2024. Các lãnh đạo Apple cho biết họ đã đưa ra hàng loạt đề xuất cải tiến và điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với luật DMA, nhưng EC không đưa ra phản hồi rõ ràng nào. Điều này khiến Apple cho rằng EC đã “ngầm định hướng” cho một án phạt từ trước khi quyết định chính thức được ban hành.
“Chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm nghìn giờ kỹ thuật và thực hiện hàng chục thay đổi để tuân thủ luật, trong khi không một người dùng nào yêu cầu điều đó. Dù đã có vô số cuộc họp, Ủy ban vẫn tiếp tục thay đổi các tiêu chí trong từng bước", người phát ngôn Apple, bà Emma Wilson cho biết.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi EC cho rằng Apple vi phạm DMA khi hạn chế quyền của các nhà phát triển ứng dụng trong việc giao tiếp trực tiếp với người dùng - một trong những quy định cốt lõi của đạo luật.
Theo các tài liệu mà POLITICO thu thập được, vào mùa hè năm ngoái, Apple từng đề xuất gỡ bỏ một số quy định hạn chế mà họ áp dụng với các nhà phát triển ứng dụng. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Apple tạm hoãn, chờ thêm ý kiến từ phía các nhà phát triển.
Sau đó, EC đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đối thủ của Apple như Spotify, Match Group và Epic Games. Diễn biến này khiến Apple lo ngại rằng EC đang nghiêng về phương án xử phạt, thay vì tiếp tục trao đổi và hướng dẫn tuân thủ.
Trong một lá thư gửi tới các quan chức cấp cao thuộc Tổng vụ Kết nối và Cạnh tranh của EC vào tháng 10/2024, một lãnh đạo của Apple cho biết các nhóm điều tra đã “nói thẳng” rằng Phó Chủ tịch EC – bà Margrethe Vestager – đang lên kế hoạch ra quyết định phạt với mức phạt có thể rất lớn.
Trước phản ứng này, người phát ngôn của EC khẳng định rằng cơ quan này luôn sẵn sàng đối thoại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh sản phẩm để tuân thủ luật là trách nhiệm riêng của các công ty bị giám sát. EC cho biết họ đã nhiều lần cảnh báo Apple rằng các đề xuất ban đầu là chưa đủ, đồng thời khuyến khích công ty tìm thêm ý kiến từ thị trường.
“Quyết định phạt vừa qua chỉ áp dụng với giải pháp mà Apple đã chính thức triển khai, chứ không liên quan đến những phương án khác mà hãng có thể đang cân nhắc,” người phát ngôn Lea Zuber cho biết.
Apple hiện đang chuẩn bị kháng cáo lên Tòa án Liên minh châu Âu tại Luxembourg. Vụ kiện này được kỳ vọng sẽ làm rõ liệu EC có trách nhiệm đối thoại thường xuyên với các công ty công nghệ khi triển khai luật DMA hay không.
Ông Kay Jebelli – cố vấn pháp lý tại tổ chức Chamber of Progress, nơi nhận tài trợ một phần từ Apple – nhận định: “Việc EC xử lý vụ việc Apple theo hướng trừng phạt cho thấy họ đang xem nhẹ tính đối thoại của luật DMA".
Trong khi Apple chọn cách trì hoãn thay đổi sản phẩm, thì Meta - công ty mẹ của Facebook - lại triển khai các điều chỉnh từ tháng 11/2024 theo một cuộc điều tra tương tự. Dù ban đầu bị EC phản ứng lạnh nhạt, nhưng các thay đổi của Meta đã giúp công ty được giảm mức phạt xuống còn 200 triệu euro, thay vì con số cao hơn.