Sự bền vững thương hiệu của mỗi quốc gia vẫn là sự ổn định

00:00 12/10/2020

Theo kết quả xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia năm 2018 do Tổ chức Brand Finance vừa công bố, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 235 tỷ USD, xếp thứ 43/100 nền kinh tế.

Việt Nam có sự cải thiện đáng kể về giá trị thương hiệu quốc gia trong 2 năm qua

Đã thành lệ từ nhiều năm nay, Tổ chức BrandFinance chuyên về tư vấn thương hiệu của Anh lại tiến hành công việc xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia trên thế giới.

Phương pháp của BrandFinance là miễn trừ phí bản quyền, thường được dùng để xác định giá trị các thương hiệu toàn cầu. Sức mạnh của thương hiệu quốc gia được xác định dựa trên dữ liệu thuộc 3 lĩnh vực: đầu tư, hàng hóa và dịch vụ, xã hội. Các lĩnh vực này lại được chia nhỏ hơn như du lịch, thị trường, quản trị và nhân sự. Mỗi chỉ số được tính theo thang điểm 100 và góp phần tạo nên chỉ số sức mạnh thương hiệu BSI chung cho quốc gia.

Theo kết quả của bảng xếp hạng thương hiệu 100 quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 vừa được công bố, thương hiệu quốc gia Việt Nam trị giá 235 tỷ USD, xếp hạng 43, tăng được 2 bậc số với bảng xếp hạng năm 2017, 7 bậc so với năm 2016 và xếp hạng A+, thuộc nhóm thương hiệu mạnh.

Dẫn đầu bảng xếp hạng năm nay là Hoa Kỳ với giá trị thương hiệu quốc gia đạt 25.800 tỷ USD và Trung Quốc với 12.900 tỷ USD. Các chuyên gia đánh giá, sự biến đổi vị trí của nhiều thương hiệu quốc gia phương Tây cho thấy họ đang chững lại trong khi nhiều thương hiệu quốc gia đến từ châu Á có sức vươn mạnh mẽ. Việt Nam, Hàn Quốc hay Philippines lại nằm trong top 10 quốc gia có mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này có nghĩa là sẽ góp phần tạo thêm lợi thế cho các sản phẩm châu Á trong việc cạnh tranh, tiếp cận các khách hàng trên toàn cầu.

Câu chuyện về sự tụt hạng đáng ngạc nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ trong bảng xếp hạng năm 2018 cho thấy phía sau sự bền vững thương hiệu của mỗi quốc gia vẫn là sự ổn định của môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô. Thổ Nhĩ Kỳ từ chỗ xếp 24/100 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới năm 2017 với trị giá 570 tỷ USD đã tụt xuống vị trí 34/100 năm nay với giá trị thương hiệu quốc gia chỉ còn 382 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nhận xét, giá trị thương hiệu của một quốc gia khá tương đồng với quy mô của các nền kinh tế được xếp hạng. Tuy nhiên do quá đặt nặng vào sự căn chỉnh của các con số nên việc “định giá” thương hiệu này chỉ cho ra được con số phần nhiều định tính mà không ghi nhận được những nỗ lực mang tính định lượng của các quốc gia trong việc “lội ngược dòng” kinh tế thế giới để bảo đảm tăng trưởng bền vững hay đánh giá mức độ toàn cầu hóa của các quốc gia mà Việt Nam có thể được xem là một ví dụ tiêu biểu.

Quang Lộc