Sau khi được ân xá, "thái tử" Lee Jae-yong chính thức đảm nhiệm Chủ tịch Samsung

17:30 27/10/2022

Trước khi được thăng chức, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Samsung Electronics – nhà sản xuất memory chip và smartphone lớn nhất thế giới.

Samsung Electronics cho biết, đã bổ nhiệm ông Lee Jae Yong thành Chủ tịch
Samsung Electronics đã bổ nhiệm ông Lee Jae Yong thành Chủ tịch.

Hôm 27/10, Samsung Electronics cho biết, đã bổ nhiệm ông Lee Jae Yong thành Chủ tịch. Ông là cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn hùng mạnh nhất Hàn Quốc. Trước khi được thăng chức, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Samsung Electronics – nhà sản xuất memory chip và smartphone lớn nhất thế giới.

Trước đó, ông bị kết án 30 tháng tù trong vụ hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye và nhận được lệnh ân xá của Tổng thống Yoon Suk-yeol có hiệu lực kể từ ngày 15/8. Vào thời điểm đó, trả lời phỏng vấn báo giới, ông đã đã xin lỗi công chúng Hàn Quốc và hứa sẽ “bắt đầu lại một lần nữa”.

Lệnh ân xá là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhằm thúc đẩy kinh tế nước này.

Đối với ông Lee, sự ân xá mở đường cho ông lấy lại vai trò là nhà lãnh đạo và có thể làm việc tại Samsung mà không chịu giới hạn nào. Ông được cho là sẽ xúc tiến các quyết định lớn và mang tính chiến lược, từ các thương vụ sản xuất chip đến cải cách quản trị.

Sự thay đổi về ghế lãnh đạo đã được kỳ vọng từ lâu, kể từ khi ông Lee Kun-hee, cố Chủ tịch tập đoàn Samsung, qua đời tháng 10/2020. Vị trí này đã bị bỏ trống suốt 2 năm.

Lên ngồi ghế Chủ tịch Samsung, Lee Jae-yong chính thức trở thành vị lãnh đạo quyền lực bậc nhất xứ sở kim chi và đại diện cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Lee Jae-yong được kỳ vọng sẽ giúp tập đoàn vượt qua giai đoạn đầy biến động kể từ khi thành lập từ năm 1938.

Các quốc gia lớn ở phương Tây đã hối thúc Samsung đẩy mạnh đầu tư để bảo đảm chuỗi cung ứng vi xử lý. Hàn Quốc còn đang gặp sức ép phải lựa chọn giữa một bên là đồng minh quân sự lớn nhất là Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc, khi căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia này ngày càng gia tăng.

Không chỉ thế, sự xuất hiện của hàng loạt công nghệ tân tiến nhưng trí thông minh nhân tạo (AI), siêu máy tính cũng buộc Samsung phải thích ứng và thay đổi chiến lược mới cho tương lai.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh Samsung vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III không khả quan. Lợi nhuận ròng giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 9,4 nghìn tỷ won (6,7 tỷ USD). So với quý II, lợi nhuận ròng giảm 15,4%. Lợi nhuận hoạt động giảm 31,4% theo năm, xuống 10,9 nghìn tỷ won, còn doanh thu tăng 3,8% lên 76,8 nghìn tỷ won.

Theo Samsung, các bất ổn địa chính trị có xu hướng ảnh hưởng xấu đến nhu cầu chip DRAM cho tới nửa đầu năm 2023. Dù vậy, công ty dự đoán nhu cầu có thể phục hồi vào nửa sau năm này do việc lắp đặt các trung tâm dữ liệu được khôi phục và ứng dụng vài loại chip mới.

Xét theo từng bộ phận, lợi nhuận hoạt động trong bộ phận giải pháp thiết bị (DS) – chuyên về bán dẫn – giảm một nửa còn 5,1 nghìn tỷ won trong quý III do nhu cầu chip xuống thấp. Lợi nhuận hoạt động trong bộ phận trải nghiệm thiết bị (DX) chuyên về smartphone, TV và thiết bị gia dụng – giảm 14,9% theo năm xuống 3,5 nghìn tỷ won do kinh tế toàn cầu đi xuống. Điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo là mảng đúc chip – chuyên sản xuất chip cho các công ty khác – ghi nhận doanh thu kỷ lục.

Lee Jae-yong, thường được truyền thông Hàn Quốc gọi là "thái tử Samsung", là con trai duy nhất của Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Tính đến tháng 9/2021, ông Lee là người giàu thứ tư Hàn Quốc với khối tài sản 11 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes.

Theo Reuters, một số người nhận xét ông Lee Jae-yong không có khả năng và phong thái lãnh đạo như cha mình. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong Samsung cho rằng sự trầm lắng, điềm đạm của "thái tử" che giấu quyết tâm vững vàng bên trong.

T.H