Sản lượng của các nhà máy tại châu Á sụt giảm trong tháng 11

11:19 02/12/2022

Sản lượng của các nhà máy trên khắp châu Á đã sụt giảm trong tháng 11/2022 do sự suy yếu nhu cầu toàn cầu và các biện pháp chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc đè nặng lên niềm tin doanh nghiệp.

Trong tháng 11/2022, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc do tập đoàn truyền thông Caixin kết hợp với S&P Global tổng hợp đứng ở mức 49,4 điểm tăng so với mức 49,2 điểm của tháng trước nhưng vẫn dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng với suy giảm. Chỉ số này đã ở dưới mốc 50 bốn tháng liên tiếp.

PMI của Nhật Bản do ngân hàng au Jibun Bank công bố cũng giảm xuống 49 điểm trong tháng 11/2022 so với 50,7 điểm của tháng 10/2022, ghi dấu lần thu hẹp đầu tiên kể từ tháng 11/2020.

Hoạt động sản xuất của Hàn Quốc trong tháng 11/2022 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp nhưng mức giảm đã nhẹ bớt. Điều này cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất đối với các doanh nghiệp có thể đã qua. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng trước ghi nhận mức giảm hàng năm mạnh nhất trong 2 năm rưỡi, do sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu cũng như tình trạng thu hẹp của ngành công nghiệp bán dẫn.

Các số liệu trên càng củng cố triển vọng ảm đạm đối với kinh tế châu Á trong năm 2023, khi các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và làm gia tăng lo ngại về sự giảm tốc hơn nữa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhà kinh tế Laura Denman tại S&P Global Market Intelligence, nhận định các điều kiện thị trường thiếu thuận lợi, sức ép chi phí và nhu cầu cả trong nước lẫn quốc tế đều yếu là những yếu tố then chốt góp phần vào sự sụt giảm của hoạt động chế tạo.

Từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau đại dịch và làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiêu dùng và sản xuất của toàn cầu nói chung.

Ngọc Phi (tổng hợp)