Quyết liệt xử lý SIM có thông tin thuê bao sai quy định

16:00 02/11/2022

Nhờ những động thái quyết liệt của Bộ TT&TT, lượng thuê bao di động có thông tin không hợp lệ đã giảm dần từ 22 triệu năm 2017 xuống còn 14 triệu thuê bao năm 2020 và 7 triệu thuê bao năm 2021. Đến tháng 6/2022, 100% thuê bao di động tại Việt Nam đã có thông tin đúng quy định, hợp lý, hợp lệ.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), tính đến năm 2021, đã có 157 quốc gia/vùng lãnh thổ có quy định bắt buộc người dùng phải đăng ký thông tin thuê bao với SIM di động.

Giống như các nước trên thế giới, Việt Nam đã ban hành đầy đủ quy định về quản lý thông tin thuê bao. Trong đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều biện pháp nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao. 

Nhằm xử lý triệt để vấn đề này, ngày 31/3/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-BTTTT về kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động. 

Tổng số tiền phạt trong đợt kiểm tra là gần 3 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast. Đây là hình phạt nghiêm khắc dành cho doanh nghiệp viễn thông.

Bộ TT&TT cũng thực hiện giải pháp đối soát thông tin thuê bao qua việc liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Đến nay, 3 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đã rà soát, đối chiếu với CSDLQG về dân cư được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao (18 triệu/76 triệu thuê bao). 

Hạn chế đặt ra là việc kết nối giữa hệ thống của doanh nghiệp viễn thông và CSDLQG về dân cư mới được triển khai. Trong khi đó, số lượng thuê bao di động rất lớn, quy trình rà soát phức tạp, ảnh hưởng lớn nên thời gian đầu cần làm kỹ, sau đó đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp.

Trước đó, trong công bố kết luận kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông sai phạm quản lý thông tin thuê bao, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã nhấn mạnh rằng, thuê bao không chính chủ, SIM rác là vấn nạn của xã hội. Các đối tượng xấu thường lợi dụng sim rác để nhắn tin tới khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… 

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, dù các nhà mạng đã góp phần phát triển kinh tế cho xã hội, tuy nhiên cần phải chấn chỉnh hơn nữa nhằm đảm bảo có lợi cho toàn xã hội. Thứ trưởng tin rằng, nhà mạng nào có uy tín sẽ được khách hàng ủng hộ. Thêm vào đó, việc nhìn nhận ra sai phạm và nhận trách nhiệm không nên chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo mà phải xuống cả cấp dưới. Chủ động rà soát vi phạm để khắc phục. Chủ động tuyên truyền tới cho khách hàng, người dân biết tới hậu quả liên quan trong việc không tuân thủ việc đăng ký thuê bao chính chủ. Khi chuyển nhượng số điện thoại thì người dân cũng nên đăng ký lại thông tin thuê bao. Cần có trách nhiệm chung nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác. 

Bộ TT&TT sẽ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các rủi ro khi sử dụng SIM đăng ký không đúng quy định, SIM không chính chủ. Song song đó, Bộ TT&TT tiếp tục tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

P.V(t/h)