Phú Thọ: Phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng địa phương theo chương trình OCOP

09:40 11/03/2021

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã có 28 sản phẩm OCOP; trong đó, có tám sản phẩm bốn sao, còn lại 20 sản phẩm đạt ba sao.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 75 làng nghề, thuộc 4 nhóm ngành nghề chính là: nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nghề thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan, nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, nghề xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Các làng nghề nông thôn của tỉnh đang phát triển ngày càng phong phú, đa dạng, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các hoạt động của làng nghề đang duy trì việc làm cho trên 15.000 lao động, tạo ra thu nhập gần 1.300 tỷ đồng mỗi năm. Để không ai bị bỏ lại phía sau trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền. Đây chính là lợi thế để Phú Thọ triển khai OCOP, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản. 

Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) là một trong những đặc sản nổi tiếng
Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) là một trong những đặc sản nổi tiếng. (Ảnh: internet)

Huyện Thanh Sơn, nơi được xem là quê hương của sản phẩm thịt chua và chè Thanh Sơn nổi tiếng. Được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của các xã viên trên những đồi chè đang vào vụ thu hoạch, mới thấy hết những đòi hỏi khắt khe của một quy trình sản xuất chè khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Cùng với sản phẩm chè Thanh Sơn, thịt chua Thanh Sơn, bưởi Đoan Hùng cũng là những đặc sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên theo ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng Phòng NT và PTNT huyện Thanh Sơn, khó khăn lớn nhất của các sản phẩm truyền thống khi đăng ký OCOP chính là khâu hoàn thiện hồ sơ. Theo yêu cầu chấm điểm, việc ghi nhật ký sản xuất, xuất xứ nguồn nguyên liệu và quy mô sản xuất... phải được công khai, minh bạch, khiến cho nhiều đơn vị sản xuất tại Thanh Sơn nói riêng, Phú Thọ nói chung, không những không mặn mà với OCOP, mà còn có tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ từ ngân sách.

Nhận thấy đặc sản của Phú Thọ chỉ “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp, và chỉ tiêu thụ ở một mức độ khiêm tốn, năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, với nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và mức chi thực hiện hỗ trợ các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tỉnh cũng giao cho Trung tâm khuyến nông tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc tham vấn chính sách, kế hoạch, thúc đẩy sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn tỉnh.
Cùng với chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt, là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản... Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã có 28 sản phẩm OCOP. Riêng huyện Thanh Sơn đã có bốn sản phẩm; trong đó có ba sản phẩm thịt chua và một sản phẩm chè.

 T.N