Phú Thọ: Nước sông giảm khiến việc nuôi cá lồng gặp khó khăn

15:42 15/06/2023

Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài đã gây thiếu hụt lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh, dẫn đến tình trạng nước mặt trên các sông giảm sút gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi cá lồng của các hộ dân.

Mặt nước sông Đà xuống mức kỷ lục, các hộ nuôi cá lồng gặp khó
Mặt nước sông Đà xuống mức kỷ lục, các hộ nuôi cá lồng gặp khó.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.800 lồng cá trên các sông, hồ, trong đó lồng cá nuôi trên sông chiếm 80%.Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây khó khăn cho người nuôi cá lồng.

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông Lô đoạn chảy qua một số xã của thành phố Việt Trì, huyện Đoan Hùng và trên sông Đà (chủ yếu địa phận các xã Xuân Lộc và Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy) đã trở thành hướng phát triển kinh tế quan trọng mang lại thu nhập cao cho người dân các địa phương.

Đặc biệt, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa ít trong những ngày vừa qua đã làm cho tình trạng “khan nước” trên các sông, hồ càng trở nên nghiêm trọng. So với thời điểm thấp nhất của năm 2022, mực nước các sông thấp hơn trung bình khoảng 0,5-0,7m. Từ đầu năm đến nay, theo thống kê có 1.480 lồng cá tại các huyện: Thanh Thủy, Đoan Hùng và thành phố Việt Trì bị ảnh hưởng trực tiếp do mực nước sông Đà, sông Lô xuống thấp.

Địa bàn xã Hùng Lô, Phượng Lâu có 101 lồng nuôi cá trên sông Lô, chiếm khoảng 90% tổng số lồng nuôi của thành phố Việt Trì. Ông Trần Huy Tân, người có kinh nghiệm nuôi cá lồng lâu năm tại xã Phượng Lâu chia sẻ: “Gia đình tôi có 22 lồng cá với sản lượng cá thương phẩm trung bình mỗi năm đạt 15-17 tấn. Tuy nhiên, năm nay, theo tính toán, sản lượng cá thương phẩm sẽ giảm do nguồn nước nuôi không ổn định nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cung cấp cho thị trường. Dù gia đình đã chủ động ươm giống hồi cuối năm 2022 để nhân ra các lồng nuôi nhưng do mực nước không cho phép nên phải giảm số lượng cá nuôi trong lồng”.

Do mực nước giảm, lồng cá nằm sát mặt nước, chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, nên cá rất dễ bị ngạt, chết
Do mực nước giảm, lồng cá nằm sát mặt nước, chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời, nên cá rất dễ bị ngạt, chết.

Tại huyện Thanh Thủy, 400 lồng cá nuôi trên sông Đà của các hộ dân cũng đang bị đe dọa bởi mực nước sông giảm sâu. Mực nước sông giảm đã làm cho nhiều lồng cá nằm trên cát hoặc đáy lồng bị lấp cát. Để cứu cá, các hộ dân đã bơm sục cát bằng máy áp lực, tời lưới lên cho nổi bè cá, huy động nhân công đào cát đáy lồng để di chuyển lồng cá ra vị trí nhiều nước hơn, đem cá đi gửi ở những lồng có mực nước mặt nhiều hơn.

Ông Thiều Minh Thế - Giám đốc Hợp tác xã cá lồng Sông Đà cho biết: “Cùng với sự chủ động của các hộ nuôi, các cấp chính quyền cũng đã tích cực vào cuộc khuyến cáo, hướng dẫn, đồng hành cùng người nuôi cá lồng để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại nhưng nếu nắng nóng kéo dài, nước sông tiếp tục cạn, sẽ rất khó khăn cho người nuôi cá”.

Trước diễn biến thời tiết nắng nóng có nguy cơ kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị, các cơ quan chuyên môn khẩn trương triển khai hướng dẫn, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh và nắng nóng, đảm bảo an toàn cho đàn thủy sản.

Đồng thời, ngành chuyên môn khuyến cáo, người dân chọn vị trí đặt lồng là những nơi có nguồn nước trong sạch, lưu thông thường xuyên, không bị ảnh hưởng bởi nước thải, tàu thuyền và hạ thấp lồng nuôi nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao.

P.V