Phú Thọ: Nâng cao biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng

11:33 15/03/2022

“Trong bối cảnh các loại hình kinh doanh thương mại ngày càng đa dạng, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng đến các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, cung cấp những thông tin bổ ích về địa chỉ, thương hiệu sản phẩm có uy tín, đảm bảo rõ xuất xứ sản phẩm... Qua đó, góp phần kích cầu tiêu dùng, xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội” - ông Vũ Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Phú Thọ khẳng định.

 

Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị BigC TP Việt Trì
Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị BigC TP Việt Trì. 

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của NTD; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, không ít NTD vẫn bị xâm phạm quyền lợi trước tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch... hoặc do NTD chưa quan tâm, tìm hiểu để tự bảo vệ mình...

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Công Thương và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật với nhiều nội dung và hình thức phong phú; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát tờ rơi, treo băng rôn và tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các biện pháp chống hàng giả; tiến hành giải quyết tranh chấp giữa NTD với doanh nghiệp… Nhờ đó nhận thức của người dân cũng như chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được thay đổi rõ rệt. Các kiến thức về cách lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và các chế độ bảo hành sau mua của người dân được nâng lên.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tính đến tháng 12/2021, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý trên 2.000 lượt vụ vi phạm, thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 90 tỉ đồng (trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính 26,5 tỉ đồng, tiền bán hàng tịch thu trên 1,5 tỉ đồng, tiền phạt bổ sung và truy thu thuế trên 61,7 tỉ đồng).

Năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam (15/3) tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD.

Qua khảo sát thực tế tại một số trung tâm thương mại, chợ dân sinh, chúng tôi nhận thấy hiện nay thị trường hàng hóa khá phong phú, đa dạng. Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ cửa hàng tạp hóa ở khu 2, xã Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba) cho biết: Trước kia hàng hóa nào tôi cũng nhập về để bán nhưng mấy năm gần đây qua nghe đài, báo và xã tuyên truyền về việc sử dụng và kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như của NTD nên hiện nay sản phẩm tôi nhập đều có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, tôi kiểm tra rất kỹ các thông tin về nhà sản xuất, tem nhãn, hạn sử dụng trước khi nhập hàng. 

Lực lượng quản lý thị trường huyện Yên Lập kiểm tra hàng hóa tại Cửa hàng tiện ích Anh Mart (thị trấn Yên Lập)
Lực lượng quản lý thị trường huyện Yên Lập kiểm tra hàng hóa tại Cửa hàng tiện ích Anh Mart (thị trấn Yên Lập). 

Ông Lê Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuyên (huyện Thanh Ba) cho biết: Do đặc thù là xã thuần nông nên sự nhận biết của đa số bà con về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa còn nhiều hạn chế. Do đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường; đồng thời tuyên truyền cho người dân về cách nhận biết các sản phẩm hàng hóa để tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng thì vẫn còn tình trạng tiểu thương trà trộn các mặt hàng kém chất lượng để bán, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số NTD hiện nay chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết, nhiều NTD bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì nên chỉ im lặng chấp nhận.

Ông Dương Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho biết: Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác nghiệp vụ để phát hiện các đầu mối mới, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu từ các tỉnh biên giới, các tỉnh lân cận đi qua hoặc vào địa bàn tỉnh để có kế hoạch huy động và phối hợp với các lực lượng khác để kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động, tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh và UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, nhóm hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe nhân dân.

Trong tình hình hiện nay, hành vi phạm quyền lợi hợp pháp của NTD ngày càng phức tạp và gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện quyết liệt các biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho NTD thì NTD cũng cần phải có ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình, phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các quyền của mình mà pháp luật đã quy định. Hiện nay, cơ bản những sản phẩm có nguồn gốc được bày bán ở những cửa hàng có uy tín thì đều có mã vạch in trên sản phẩm. Do vậy, chỉ bằng điện thoại thông minh có kết nối internet cài đặt ứng dụng Icheck hoặc ứng dụng VinaCheck, NTD chụp sản phẩm và quét mã QR sẽ thấy trên giao diện thiết bị hình ảnh, thông tin về sản phẩm như nơi sản xuất, giấy chứng nhận, kênh phân phối, thông tin cơ sở chịu trách nhiệm sản xuất, từ đó NTD có thể đưa ra ý kiến, phản hồi với nhà sản xuất.

PV