Huyện Cẩm Khê (Phú Thọ): Chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP

09:44 12/03/2022

Huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Việc tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP giúp người dân địa phương thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống trong khu vực nông thôn.

 

Huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia như rau, củ, quả an toàn.
Huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia như rau, củ, quả an toàn.

Trong các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có một sản phẩm được nâng hạng từ ba sao lên bốn sao; sáu sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn ba sao. Các sản phẩm OCOP đều là sản phẩm đặc trưng của địa phương, dễ dàng trong mở rộng vùng nguyên liệu và tạo điều kiện cho nhiều hộ dân trong vùng cùng tham gia để có nguồn thu nhập ổn định.

Bà Trần Thị Thu Hưởng- Trưởng phòng NN & PTNT huyện Cẩm Khê chia sẻ: Đối với chương trình OCOP, UBND huyện khuyến khích các chủ thể bên cạnh việc liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cần liên kết với người dân trong vùng để xây dựng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất, giúp bà con có thêm nguồn thu, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hiện đại, theo nhu cầu của thị trường.

Nói đến rau sắn, đặc biệt là rau sắn ủ chua thì có lẽ đây là món ăn đặc trưng của người Phú Thọ mà ít nơi nào có được. Do được nhiều người quen ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… nhờ làm và chuyển cho họ nên bà Nguyễn Thị Quy ở khu 9, xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê đã nảy ra ý tưởng đưa món đặc sản ấy thành một loại hàng hóa có thể đóng gói, dễ dàng vận chuyển đi xa để bán cho những người yêu thích món này. Bà Quy cho biết: Chúng tôi luôn xác định phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ uy tín trong kinh doanh nên được khách hàng tin tưởng, lượng hàng làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Có những ngày gia đình tôi tiêu thụ khoảng bốn tạ rau sắn chua. Bên cạnh rau sắn chua, món cá thính, thịt thính của gia đình tôi cũng rất được khách hàng ưa thích. 
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, bên cạnh diện tích trồng sắn của gia đình, bà còn thuê một số hộ xung quanh trồng rau để cung cấp cho mình. Nhờ đó, các hộ đã có thêm nguồn thu nhập ổn định bên cạnh nguồn thu từ đồng ruộng. Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, hai sản phẩm rau sắn chua và cá thính của chủ thể hộ kinh doanh bà Quy đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ba sao. 

Có hai sản phẩm là măng tây và trà măng tây được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ba sao trong năm 2021, HTX NN hữu cơ Bắc Bộ, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê đã có sự đầu tư để mở rộng diện tích, mua sắm máy móc phục vụ chế biến và bảo quản sản phẩm, giúp kéo dài thời gian lưu trữ, thuận tiện cho tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Tuấn Chang ở tỉnh Bắc Giang để tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích trên 16ha. Các thành viên của HTX đều được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX rất thuận lợi trong quá trình đánh giá công nhận sản phẩm OCOP và tiêu thụ sản phẩm.

 Thời gian tới, huyện Cẩm Khê sẽ chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ thể có điều kiện, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để xây dựng các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, đặc biệt là đối với các sản phẩm có thể dễ dàng mở rộng vùng nguyên liệu; thu hút được nhiều đối tượng tham gia như rau an toàn, chè, chăn nuôi, thủy sản… Song song với đó, huyện cũng chủ trương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể có thể liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ để chương trình OCOP thực sực mang lại hiệu quả cao.

PV