Phú Thọ: Phát triển thương mại điện tử một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch

11:25 14/03/2022

“Thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực. Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin nói chung và hạ tầng phục vụ phát triển TMĐT nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực; các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến; doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động… Điều này tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển TMĐT” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết.

Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ với nhiều sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng
Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ với nhiều sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều hệ lụy, tác động xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, sự hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh đã trực tiếp đã thúc đẩy TMĐT phát triển, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của nhiều doanh nghiệp. Cùng với đưa sản phẩm của mình quảng bá, tiêu thụ trên các sàn TMĐT thì nhiều doanh nghiệp đã lập website có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến thay cho email truyền thống hỗ trợ bán hàng; sử dụng ứng dụng tem điện tử và ứng dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Để thúc đẩy TMĐT phát triển, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Phát triển TMĐT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp đề ra nhằm đưa TMĐT trở thành một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững… 

Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin và mua hàng online trên các trang TMĐT
Người tiêu dùng tìm hiểu thông tin và mua hàng online trên các trang TMĐT.

Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Cùng với xây dựng quy hoạch, phát triển hạ tầng viễn thông và internet tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển TMĐT, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các giao dịch TMĐT. Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ; phát triển các dịch vụ trong hoạt động TMĐT như: Thanh toán điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... nhằm xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh.

Trong năm 2021, tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT cho đội ngũ doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hình thức. Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn sâu về TMĐT, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao hoạt động về TMĐT tại các cơ quan, đơn vị. Hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, các HTX trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng TMĐT, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và tiến hành giao dịch kinh doanh trên internet.

Công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa được chú trọng. Qua đó giúp các đơn vị bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm, khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Trong năm 2021 đã hỗ trợ ứng dụng 135.000 tem điện tử cho 18 doanh nghiệp, HXT và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Đi vào hoạt động từ tháng 7/2019, sàn TMĐT của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel đã trở thành địa chỉ giao dịch thương mại có uy tín với nhiều khách hàng. Sàn TMĐT voso.vn có nhiều tính năng nổi bật để hỗ trợ khách hàng trong mua sản phẩm như: Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và minh bạch thông tin của sản phẩm. Bên cạnh đó, sàn voso.vn còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp cách chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng… ngay tại cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua. 

Nhờ sàn giao dịch TMĐT, sản phẩm của Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Trường Foods - thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn được nhiều người biết đến trên thị trường
Nhờ sàn giao dịch TMĐT, sản phẩm của Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Trường Foods - thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn được nhiều người biết đến trên thị trường.

Hoạt động của Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ được duy trì ổn định và phát huy tốt vai trò; tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các hoạt động đảm bảo kỹ thuật, mời các đơn vị tham gia thành viên Sàn; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tải thông tin, sản phẩm lên Sàn… được chú trọng thực hiện. Trong năm 2021, có hơn 4,91 triệu lượt truy cập Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ; số lượng gian hàng trên là 277 gian với 912 sản phẩm dịch vụ.

Bà Hà Thị Ngọc Điệp - Phó Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn chia sẻ: Cùng với phương thức bán hàng truyền thống, chúng tôi đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội… Lượng khách hàng mua hàng qua phương thức này ngày càng tăng lên. Trong năm 2021, chúng tôi bán ra hơn 20.000 sản phẩm qua các sàn TMĐT, chiếm trên 20% tổng lượng hàng bán ra.

Có thể khẳng định, việc mua bán hàng hóa, dịch vụ online đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Anh Đặng Trần Luật - xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông chia sẻ: Giao dịch online nhanh hơn, không bị giới hạn bởi không gian địa lý; ngoài ra người tiêu dùng có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thực hiện giao dịch. Phương thức thanh toán và giao hàng cũng được doanh nghiệp thực hiện linh hoạt nên rất thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của người mua.

Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh còn chưa cao; vẫn còn thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt; hoạt động thanh toán trực tuyến chưa phát triển; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán; phần lớn các doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua email; các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng di động còn thấp…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về TMĐT. Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Duy trì, vận hành Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ hoạt động hiệu quả; hỗ trợ các thương nhân, tổ chức, cá nhân giới thiệu, mua bán sản phẩm hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên Sàn, hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư và liên doanh giữa các doanh nghiệp, cũng như mang lại chất lượng sản phẩm tốt và an toàn nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường Phú Thọ và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra công tác chống buôn lậu, gia lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.

PV