Phú Thọ: Doanh nghiệp viễn thông đóng góp tích cực vào chuyển đổi số

13:27 06/02/2023

Tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh, hiện nay các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số.

Nhân viên kỹ thuật VNPT Phú Thọ kiểm tra trạm phát sóng BTS
Nhân viên kỹ thuật VNPT Phú Thọ kiểm tra trạm phát sóng BTS.

Đến nay, hạ tầng viễn thông của tỉnh phát triển đảm bảo đúng quy hoạch, rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân, doanh nghiệp, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

VNPT Phú Thọ là một trong những doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ hành chính công.

Ông Đặng Việt Hải - Bí thư Đảng ủy, Quyền Giám đốc VNPT Phú Thọ cho biết: Năm 2022, VNPT Phú Thọ đã triển khai cung cấp hầu hết các nền tảng ứng dụng của hệ thống chính quyền điện tử phục vụ chính quyền số như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số; Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp Một cửa hiện đại; Hệ thống hội nghị trực tuyến; đường truyền chuyên dùng MegaWan... Hướng tới mục tiêu phát triển xã hội số, VNPT Phú Thọ đã chủ động đầu tư mạng băng rộng cố định, băng rộng di động phủ sóng tới 100% các xã, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mỗi hộ gia đình đều có mạng cáp quang, mỗi người dân đều có thể sử dụng thiết bị thông minh ở bất cứ đâu.

Cùng với đó thiết lập mạng diện rộng của tỉnh, kết nối các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, đảm bảo truyền dẫn an toàn, tránh xâm nhập, thu thập thông tin từ bên ngoài. Trong năm 2022, VNPT Phú Thọ đã triển khai xây dựng hạ tầng số tại 9 khu vực thôn bản chưa có sóng di động tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập.

Ngoài ra, VNPT Phú Thọ cũng tăng cường cung cấp giải pháp Mobile Money - Thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ nhiều dịch vụ như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số, quản lý bán hàng, kê khai bảo hiểm xã hội, quản trị nhân sự, nền tảng chuyển đổi số OneSME giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số toàn trình trên môi trường online.

Nhân viên Viettel Phú Thọ kiểm tra vận hành các trạm phát sóng lưu động
Nhân viên Viettel Phú Thọ kiểm tra vận hành các trạm phát sóng lưu động.

Xác định việc phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược chuyển đổi số, vì vậy, thời gian qua Viettel Phú Thọ đã chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin. Năm 2022 cũng đánh dấu việc Viettel Phú Thọ tắt sóng 3G và đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi thuê bao 4G. Trong năm, Viettel Phú Thọ đã xây dựng và phát sóng thêm 35 trạm BTS 4G mới và 4 trạm BTS 5G, lắp đặt bổ sung 90 trạm cosite 4G trên hạ tầng trạm 2G, 3G; phủ sóng đến 100% các khu dân cư và các khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh như bản Mỹ Á, xã Thu Cúc huyện Tân Sơn; bản Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn. Về cố định băng rộng, Viettel Phú Thọ đã đầu tư bổ sung nâng cấp thêm 15.000 cổng port đảm bảo cung cấp dịch vụ cho các khách hàng, duy trì là doanh nghiệp có hạ tầng mạng lưới viễn thông lớn nhất tỉnh.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Viettel Phú Thọ đã chủ động đưa các ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng AI, Chatbox để hỗ trợ công các quản lý cũng như kinh doanh; triển khai hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ số như: Hợp đồng điện tử, tổng đài điện tử vContract, định danh khách hàng điện tử eKYC, chữ ký số My Sign, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm vMark… Triển khai mô hình chợ 4.0  tại 13 huyện, thành, thị; đồng thời đẩy mạnh triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh…

Năm 2022, bên cạnh các dịch vụ truyền thống, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số như: Hệ thống quản lý văn bản điều hành; Một cửa điện tử; Hội nghị truyền hình; Camera giám sát; Báo cáo quốc gia; IOC; Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Y tế thông minh, Giáo dục thông minh.

Cùng với đó, tích cực tham gia xây dựng khung chuyển đổi số cụ thể, chi tiết cho doanh nghiệp, đồng thời phát triển thành sản phẩm để hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với đa dạng các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, dược phẩm, logistics, bán lẻ, quản lý khách sạn...

P.V