Phú Thọ: Xây dựng sản phẩm OCOP ở huyện Cẩm Khê

09:06 02/02/2023

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai ở tất cả các xã, thị trấn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê)
Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê).

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, năm 2022 huyện Cẩm Khê đã thực hiện hỗ trợ tiêu chuẩn hóa và phát triển sản phẩm cho các chủ thể về các hạng mục như: Tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị, giống, vật tư, bao bì... với tổng giá trị trên 1,1 tỉ đồng.

Năm 2022, huyện đã xây dựng thành công năm sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng ba sao và bốn sao. Trong đó, nhóm sản phẩm dao, thìa, đĩa, ống hút bằng tre của Hợp tác xã tre trúc VNS Phú Thọ, xã Đồng Lương đạt tiêu chuẩn bốn sao và bốn nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn ba sao. Như vậy, tính đến hết năm 2022, toàn huyện Cẩm Khê có 15 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn bốn sao, 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ba sao.

Mục tiêu năm 2023, huyện sẽ tham gia đánh giá, phân hạng và tiêu chuẩn hóa năm sản phẩm gồm: Bánh chưng chay đậu đỏ của HTX Nông thương Đất Tổ, trà vối Sơn Bình và trà SK Sơn Bình của Công ty TNHH MTV Tập đoàn Sơn Bình, rượu gạo Thanh Lâm của HTX Nông nghiệp Thanh Lâm, tương nếp Tam Sơn - hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hằng, xã Tam Sơn.

Để hoàn thành mục tiêu, huyện đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm thực hiện đúng các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, bao bì, nhãn mác sản phẩm và các tiêu chí khác liên quan; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp tục củng cố, duy trì phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng ở hạng sao cao hơn. Cùng với đó, mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các chủ thể tham gia nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng phương án kinh doanh, cách thức hoàn thiện bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Qua kiểm tra và khảo sát thực tế, hiện nay, các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận đều hoạt động ổn định, tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường, nhờ vậy doanh thu và lợi nhuận từ các sản phẩm OCOP liên tục tăng qua các năm. Đi đôi phát triển sản xuất, các chủ thể cũng chú trọng cải tiến mẫu mã để tạo sức hút và nét riêng biệt đặc trưng cho sản phẩm địa phương, đồng thời chú trọng thực hiện các tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chế biến”.

Đối với sản phẩm mới tham gia Chương trình, huyện tập trung hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng; tư vấn hướng dẫn các chủ thể tham gia xây dựng hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn... đảm bảo đủ các điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm.

P.V